***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường

Thứ hai - 12/12/2022 15:12
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ trí thức và chú trọng đến phát triển đội ngũ trí thức. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về về xây dựng đội ngũ trí thức là một bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh - di sản tinh thần quý báu mà chúng ta cần kế thừa và phát triển trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.
         Hồ Chí Minh xác định trí thức là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy…, là những “lao động trí óc yêu nước nhất, hy sinh nhất, gồm những người phụng sự nhân dân lao động, chí công vô tư, gương mẫu trong công tác kháng chiến và kiến quốc [1]. Như vậy, với Hồ Chí Minh, lý tưởng, mục đích cuộc sống của trí thức mới là điều quan trọng nhất. Một người được coi là trí thức không phải chỉ do người đó có học vấn cao, mà quan trọng hơn hết, là phẩm chất và năng lực đó phải hướng đến phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Và theo Hồ Chí Minh “trí thức là lực lượng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội” [2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với đội ngũ tri thức Việt Nam sau cách mạng tháng 8/1945      
           Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trí thức là “vốn liếng quý báu của dân tộc”, Người nhấn mạnh: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế” [3]. Trí thức là một tầng lớp luôn đi đầu trong phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc, dân chủ. Người tin rằng, với kinh nghiệm, với học thức, với sự quyết tâm của những trí thức cách mạng thì việc kháng chiến nhất định thành công và nền tự do, độc lập nhất định vững vàng. Từ đó, Người đã đưa ra yêu cầu phải đào tạo trí thức mới và cải tạo trí thức cũ. Với việc đào tạo đội ngũ trí thức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tăng cường tuyển chọn, đào tạo những trí thức xuất thân từ công nhân và nông dân - nòng cốt của cách mạng.
           Là một trí thức đi làm cách mạng, Chủ tịch  Hồ Chí Minh luôn gắn vai trò của trí thức với đất nước, dân tộc, luôn tìm cách khơi dậy tinh thần yêu nước và ý thức tự tôn dân tộc trong mỗi trí thức. Người đã đề ra nhiều biện pháp linh hoạt trong việc sử dụng tài năng của trí thức nhằm phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc. Nhiều người tài đức, các nhân sĩ, trí thức ở trong nước và ngoài nước đã đóng góp trí tuệ và tài sản cá nhân cho cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng nhân tài trí thức, trước hết bằng cách hiểu khả năng và nguyện vọng của họ.
         Hiện nay, Việt Nam đang trong sự nghiệp chấn hưng dân tộc tức là làm cho đất nước hưng thịnh và phát triển hơn trước càng đòi hỏi đội ngũ trí thức phải có trình độ cao, vừa có đức, vừa có tài, đáp ứng được yêu cầu xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường. Để tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và từ chính tầng lớp trí thức phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm túc một số giải pháp sau:
         Một là, giải pháp về đào tạo đội ngũ trí thức
        Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục ban hành những quan điểm chỉ đạo, giải pháp đồng bộ và toàn diện về phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn lực con người trong thời gian tới; phải quyết liệt đổi mới mô hình giáo dục một cách hiệu quả hướng tới khoa học thực tiễn cho đời sống; và để cải cách giáo dục thực sự có hiệu quả lâu dài, ngành Giáo dục nên tham khảo mô hình giáo dục, kế thừa những nền giáo dục phát triển nhất trên thế giới từ các quốc gia thành công đi trước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… vì giáo dục là nền tảng quan trọng để vươn tới khát vọng hùng cường.
          Bên cạnh giáo dục về tri thức, đạo đức thì cần phải chú trọng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng để hình thành, nuôi dưỡng khát vọng và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự hùng cường của dân tộc.
          Hai là, giải pháp về sử dụng đội ngũ trí thức.
        Trong phát triển nguồn nhân lực, cần chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và có chế độ đãi ngộ, thu hút sử dụng nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng đồng bộ các chính sách trong việc phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức. Có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, trí thức người dân tộc thiểu số và các nữ trí thức. Các cơ quan có trách nhiệm cần nhanh chóng cụ thể hóa, sửa đổi các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, như các chính sách về quốc tịch, nhà ở, đặc biệt là môi trường làm việc.
          Có chế độ đãi ngộ, cơ chế khen thưởng xứng đáng với cống hiến của đội ngũ trí thức. Đồng thời xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo cho trí thức. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo.
      Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp chấn hưng, xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ trí thức đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo vào thực tiễn và cần phải có những giải pháp phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đối với trí thức, nhân tài là phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới nhằm hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, NXB.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 71.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, NXB.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 71.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, NXB.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 184.
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay205
  • Tháng hiện tại247,704
  • Tổng lượt truy cập6,227,988
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây