***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vận dụng quy luật từ sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại vào quá trình học tập của sinh viên hiện nay

Thứ năm - 08/12/2022 20:22
Trong quá trình học tập của sinh viên, việc tích lũy tri thức, luôn có sự vận động, biến đổi. Sự vận động, biến đổi đó mang tính quy luật – Quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại (viết tắt là quy luật Lượng – Chất). Quá trình tích lũy tri thức ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc theo khả năng, mục đích, điều kiện của cá nhân. Dù nhanh hay chậm thì sự tích lũy về tri thức ấy làm cho con người dẫn đến sự thay đổi nhất định, tức là có sự biến đổi về chất. Khi nghiên cứu, học tập và biết cách vận dụng quy luật Lượng – Chất vào quá trình học tập cũng là một trong những phương thức thúc đẩy, thay đổi quá trình học tập của sinh viên
             Bất kì sự vật, hiện tượng nào cũng là sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi về lượng tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại sự thay đổi của lượng mới. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành phương thức phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy. Cho nên, khi nghiên cứu, học tập và biết cách vận dụng quy luật Lượng – Chất vào quá trình học tập cũng là một trong những phương thức thúc đẩy, thay đổi quá trình học tập của sinh viên. Từ đó có thể đưa ra những giải pháp học tập một cách hiệu quả hơn, đồng thời giúp sinh viên nâng cao khả năng vận dụng những tri thức lý luận vào các hoạt động thực tiễn của bản thân. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng quy luật từ sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất và ngược lại trong quá trình học tập của sinh viên hiện nay:
            Thứ nhất, sinh viên cần nhận thức được sự khác nhau cơ bản giữa việc học tập ở phổ thông và đại học. So với học ở phổ thông thì khối lượng kiến thức ở cấp độ đại học tăng lên một cách đáng kể. Một ví dụ đơn giản, nếu học phổ thông thì một môn học sẽ kéo dài trong một năm, vì thế khối lượng kiến thức được chia đều ra kiến học sinh dễ dàng tiếp nhận hơn. Trong khi ở đại học một môn chỉ kéo dài khoảng 10 đến 15 buổi học (từ 2 đến 3 tháng). Rõ ràng sự tăng lên đáng kể về số lượng kiến thức sẽ khiến tân sinh viên gặp những khó khăn. Chính vì thế sinh viên cần phải chủ động tìm hiểu và sẵn sàng để thích nghi với sự thay đổi này. Không chỉ khác biệt về khối lượng kiến thức, học đại học và phổ thông còn có sự khác biệt về sự đa dạng kiến thức. Tiếp đến là các nhiệm vụ trong học tập, nếu học phổ thông hoạt động chủ yếu là ở trên lớp còn học đại học còn đi kiến tập, thực tập,... Đây là cơ hội cũng nhưng cũng là thách thức cho sinh viên. Ở đây là sự khác nhau về bản chất chứ không chỉ là sự thay đổi về hình thức, bở  i vậy có thể nói sự chuyển đổi từ phổ thông lên đại học cũng giống như quá trình biến đổi từ lượng thành chất. Chính vì vậy mà sinh viên cần phải thay đổi nếp sống mới sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, phù hợp với yêu cầu  của ngành giáo dục đối với đại học. Chỉ khi nào làm được như vậy sinh viên mới đạt được những thành tích, kết quả tốt trong quá rình học tập và nghiên cứu của mình.
            Thứ hai, trong quá trình học tập, sinh viên cần từng bước tích lũy kiến thức một cách chính xác, đầy đủ. Như chúng ta đã biết, sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng diễn ra bằng cách tích lũy dần dần về lượng đến một giới hạn nhất định, thực hiện bước nhảy để chuyển về chất và việc học tập của sinh viên cũng không nằm ngoài điều đó. Để có một tầm bằng đại học chúng ta cần phải tích lũy đủ số lượng các tín chỉ của các môn học. Như vậy có thể coi học tập là quá trình tích lũy về lượng mà điểm nút là các kỳ thi, thi cử là bước nhảy và điểm số xác định quá trình tích lũy kiến thức đã đủ dẫn tới sự chuyển hóa về chất hay chưa. Do đó, trong hoạt động nhận thức, học tập của sinh viên phải biết từng bước tích lũy về lượng (tri thức) làm biến đổi về chất (kết quả học tập) theo quy luật. Cần học tập đều đặn hàng ngày để lượng được thấm sâu vào mỗi sinh viên. Tránh việc gấp rút mỗi khi sắp đến kỳ thi, như vậy là thiếu kinh nghiệm nhận thức được trong quá trình học tập.  
            Thứ ba, trong học tập và nghiên cứu sinh viên cần tiến hành từ dễ đến khó, tránh nóng vội đốt cháy giai đoạn. Trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên cần tránh tư tưởng  tả khuynh, tức là, khi lượng chưa biến đổi đến điểm nút đã thực hiện bước nhảy. Sinh viên khi học đủ những kiến thức cơ bản có sự biến đổi về chất mới có thể học tiếp những kiến thức sâu hơn, khó hơn. Học tập nghiên cứu từ dễ đến khó là phương pháp học tập mang tính khoa học mà chúng ta đều biết nhưng trong thực tế, không phải ai cũng có thể thực hiện được. Nhiều sinh viên trong quá trình học tập do không tập trung, còn mải mê vui chơi, dẫn đến sự chậm chễ trong học tập, rồi “nước tới chân mới nhảy” khi sắp thi họ mới tập trung cao độ vào việc học. Giai đoạn ôn thi là lúc ta củng cố lại kiến thức chứ không phải học mới, do đó sinh viên học tập chăm chỉ trong thời gian này không thể đảm bảo lượng kiến thức qua được kỳ thi. Ngược lại có nhiều sinh viên có ý thức học ngay từ đầu, nhưng họ lại nóng vội, muốn học nhanh, nhiều để hơn người khác, chưa học cơ bản đã đến nâng cao, chưa học xong đại cương đã muốn học chuyên ngành luôn. Như vậy, muốn tiếp thu được tri thức ngày càng nhiều và đạt được kết quả cao, thì mỗi sinh viên cần phải hàng ngày học tập, học từ thấp đến cao, từ dễ đến khó để có sự biến đổi về chất.
            Thứ tư, sinh viên phải liên tục phấn đấu học tập và rèn luyện, tránh tư tưởng chủ quan. Khi bước chân vào đại học, có một bộ phận không nhỏ trong sinh viên tự mãn với những gì đã đạt được, không tiếp tục nỗ lực và phấn đấu vươn lên, sống không có lý tưởng, hoài bão. Xét theo quan điểm của triết học, chất thay đổi sẽ tác động trở lại lượng của sự vật. Sự tác động đó được thể hiện: Chất mới có thể làm thay đổi kết cấu quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vật. Khi đã đỗ vào đại học, trở thành sinh viên chúng ta được tiếp cận những tri thức cao hơn, sâu hơn. Nhiệm vụ của mỗi sinh viên là phải tiếp tục học hỏi, trau dồi thêm những kiến thức (tích lũy về lượng), trở thành những giáo viên, kỹ sư, nhà quản lý văn hóa, họa sỹ có trình độ...đóng góp cho xã hội. Trong quá trình học tập, sinh viên phải trải qua rất nhiều kỳ thi. Kết quả tốt của các kỳ thi đánh dấu ta kết thúc một giai đoạn và là bước khởi đầu cho ta sang một giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta có một trình độ cao hơn, lượng kiến thức nhiều hơn, chính vì vậy, mỗi sinh viên cần phải không ngừng học tập phấn đấu để tiếp cận những tri thức mới ở trình độ cao hơn. Nó giúp chúng ta tránh được tư tưởng bảo thủ, trì trệ trong học tập rèn luyện. 
Sinh viên làm việc nhóm         
              Thứ năm, mỗi sinh viên cần phải tự rèn luyện ý thức học tập tích cực, chủ động. Ngạn ngữ Trung quốc có câu” Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách găp số phận” câu nói đó có ý nghĩa triết học của nó. Đó là quy luật lượng - chất trong triết học, rõ ràng là, những thói quen mà chúng ta đang có được hình thành từ sự tích lũy của nhiều hành vi được lặp đi lặp lại trong cuộc sống hàng ngày, nhiều thói hư như thế đến lượt nó lại quyết định đến tính cách của chúng ta, và số phận của mỗi con người phụ thuộc vào tính cách của họ. Khi tích lũy hành vi (lượng) dần dần sẽ tạo nên thói quen (chất), sinh viên cần rèn luyện cho mình tính chăm chỉ, tự chủ năng động trong quá trình học tập, tích lũy tri thức giản đơn nhất từ những thói quen hàng ngày. Trong cuộc sống cũng như trong quá trình học tập sinh viên phải rèn luyện hàng ngày để hình thành những thói quen học tập, rèn luyện tốt, như: phải biết tiết kiệm thời gian, chăm chú nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ khi tham gia các tiết học trên lớp, về nhà chăm chỉ làm bài tập, nghiên cứu sách tham khảo, học tập nghiêm túc và khoa học,....tích lũy nhiều thói quen như vậy sẽ góp phần hình thành nên tính cách, giúp chúng ta  thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
            Tóm lại, việc vận dụng nội dung quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất cũng như ý nghĩa phương pháp luận của nó có vai trò to lớn trong việc học tập và rèn luyện của sinh viên Đại học hiện nay. Lượng và chất là hai mặt thống nhất biện chứng của sự vật, chỉ khi nào lượng được tích lũy tới một độ nhất định mới làm thay đổi về chất, do đó trong hoạt động nhận thức, hoạt động học tập của sinh viên phải tích lũy dần về lượng và đồng thời phải biết thực hiện và thực hiện kịp thời những bước nhảy khi có điều kiện chín muồi để biến đổi về chất. Những việc làm vĩ đại của con, bao giờ cũng tổng hợp những việc làm bình thường, vì vậy mỗi sinh viên phải luôn tích cực học tập, chủ động trong công việc học tập và rèn luyện của mình cả đức và tài, để trở thành một con người phát triển toàn diện. Nắm rõ và vận dụng đúng quy luật lượng và chất vào quá trình học tập của bản thân sẽ giúp sinh viên có được kết quả học tập tốt hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay5,109
  • Tháng hiện tại236,199
  • Tổng lượt truy cập6,216,483
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây