Khái niệm “công nghiệp 4.0” (industry 4.0) hay nhà máy thông minh lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover (Cộng hòa Liên bang Đức) vào năm 2011. Năm 2013, thuật ngữ công nghiệp 4.0 bắt đầu được tìm hiểu và tìm kiếm rộng rãi xuất phát từ một báo cáo của Chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên ba trụ cột chính:
- Nguồn dữ liệu lớn (big data): dữ liệu lớn được thể hiện ở cả ba phương diện thời gian, không gian, đối tượng.
- Trí tuệ nhân tạo (AI): được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào robot và camera nhận diện thông minh.
- Internet kết nối vạn vật: Internet ngày nay đã trở thành một lực lượng vật chất quan trọng đối với mọi hoạt động của cuộc sống con người, không chỉ kết nối giữa con người với con người, giữa con người với vật thể mà còn giữa vật thể với vật thể, làm cho máy móc giao tiếp được với máy móc thông qua việc sử dụng công cụ hiện đại như email, website, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử, thiết bị số hóa.
Hình ảnh về cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra một số yêu cầu đối với việc học tập và rèn luyện sinh viên:
Một là, nhận thức sâu sắc về tác động, ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này sẽ tạo ra động lực mới để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ chuyển sang nền kinh tế tri thức, sang xã hội “thông minh”. Sự giao thoa và hội tụ các lĩnh vực công nghệ cao sẽ xóa mờ dần ranh giới giữa các khâu/công đoạn, quy trình sản xuất, đặc biệt là các khâu thiết kế, gia công, lắp ráp và chế tạo ra sản phẩm, từ đó sản xuất sẽ đạt trình độ rất cao, tối ưu hóa cao, làm cho lợi ích kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phân cực lực lượng lao động, nguy cơ thất nghiệp gia tăng không chỉ của người nghèo và ở nước nghèo. Do đó, các quốc gia muốn tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng vào thực tiễn sản xuất để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Chính vì vậy, ngay từ trên giảng đường đại học, sinh viên phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào học tập, công tác và cuộc sống.
Hai là, phải có khả năng ngoại ngữ tốt - mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên: trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi văn hóa của các miền đất trên thế giới và tiếp thu tri thức nhân loại. Giữa xu thế “đa quốc gia hóa” của các công ty, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp bạn nổi bật, dễ dàng nhận được công việc phù hợp với khả năng, trình độ bản thân, việc tìm kiếm các thông tin tuyển dụng sẽ mở rộng nhiều vị trí hấp dẫn.
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là biết từ vựng và hiệu quả, nghĩa là người học ngoại ngữ đồng thời phải học hỏi văn hóa nước khác để có cách diễn đạt phù hợp. Cũng như vậy, việc học ngoại ngữ cũng cần gắn với mục đích đúng đắn nhất định, đó là phục vụ học tập, làm việc, giao tiếp và giải trí lành mạnh.
Ba là, kỹ năng mềm thành thạo - lợi thế hòa nhập với môi trường làm việc: Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, thường không liên quan đến kiến thức chuyên môn. Nhưng, kỹ năng mềm lại quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kỹ năng mềm quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. Chìa khóa dẫn đến thành công thực sự là sinh viên phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này. Kỹ năng mềm bao gồm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lập kế hoạch… Trong quá trình học tập sinh viên cần khai thác và phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn của mình. Sinh viên cần tích cực tham gia các chương trình ngoại khóa, các câu lạc bộ, các lớp học kỹ năng... là nơi giúp sinh viên có thể rèn luyện các kỹ năng mềm.
Bốn là, kinh nghiệm làm việc thực tế - bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng: doanh nghiệp thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều sinh viên ra trường thường không đáp ứng được. Trái lại, nhiều sinh viên mới ra trường nhưng đã có bản lý lịch đẹp với kinh nghiệm khá “dày”, họ nhanh chóng thích nghi với môi trường doanh nghiệp khi còn ở đại học. Theo đó, kỳ thực tập là một lợi thế rất lớn giúp sinh viên vượt qua các kỳ tuyển dụng gắt gao cũng như không bị ngỡ ngàng khi bắt tay vào việc. Bởi kỳ thực tập là thời điểm tốt nhất để sinh viên có thể học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Về cơ bản, quá trình thực tập cũng gần giống như quá trình đào tạo cho một nhân viên mới trong công ty.
Như vậy, có thể khẳng định, trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bản thân mỗi sinh viên cần tự giác, chủ động, liên tục tìm tòi, cập nhật những tri thức mới, sẵn sàng học hỏi và đổi mới, đặc biệt là về những tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn, phát triển toàn diện về ngoại ngữ, kỹ năng mềm... để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.