Các nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học đã vạch rõ “
Giai cấp vô sản là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”, giai cấp công nhân “là đứa con đầu lòng của nền đại công nghiệp hiện đại”. Đại công nghiệp đã sinh ra giai cấp công nhân, đồng thời cũng là cơ sở vật chất thông qua đó, giai cấp công nhân tác động vào tiến trình phát triển xã hội như một lực lượng chủ đạo.
Mối quan hệ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển giai cấp công nhân biểu hiện trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đặt ra yêu cầu khách quan về phát triển giai cấp công nhân.
Theo quan niệm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nêu trên, đặc trưng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được hiểu là sử dụng một cách phổ biến nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học, công nghệ nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao, trong đó, chủ thể để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chính là giai cấp công nhân.
Công nhân làm việc theo dây chuyền tự động hóa
Hiện nay, Việt Nam đã có những bước phát triển, đội ngũ cán bộ khoa học có khả năng tiếp cận và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật cao của thế giới. Một số ngành công nghệ cao đã được đầu tư phát triển, nhất là trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, mà trước hết là công nghệ tin học, công nghệ phần mềm, công nghệ sinh học. Mặt khác, chúng ta cũng không xem nhẹ việc đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Do đó, chúng ta có cơ sở khoa học cho việc đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.
Muốn rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải nắm bắt, khai thác, sử dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại và những yếu tố của kinh tế tri thức, trên cơ sở đó có thể "tăng tốc", "đi tắt, đón đầu", bỏ qua lối mòn mà các nước đã phải vất vả trải qua, quan điểm đó có điều kiện thực hiện khi tri thức đã mang tính toàn cầu.
Thứ hai, sự phát triển của giai cấp công nhân là nhân tố có ý nghĩa quyết định và là chủ thể trực tiếp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giai cấp công nhân là một trong những yếu tố cơ bản nhất của lực lượng sản xuất. V.I.Lênin đã nói: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”. Vì vậy, sự phát triển và hoàn thiện về mọi mặt của giai cấp công nhân sẽ tác động trở lại tạo điều kiện thúc đẩy nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi lẽ, họ là lực lượng có mặt trong mọi ngành, mọi thành phần kinh tế, mọi cơ sở sản xuất kinh doanh, trong những lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước muốn thành công đòi hỏi phải hội tụ nhiều yếu tố khách quan, chủ quan như: đường lối, chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế; có vốn, khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tài nguyên thiên nhiên, thông tin… Trong những điều kiện, yếu tố ấy thì người công nhân có vai trò quan trọng nhất. Không ai có thể thay thế được người công nhân trong quá trình sản xuất. Máy móc dù có hiện đại đến mấy, dù có thể là những rô bốt thông minh song cũng đều phải do con người sáng tạo ra và chỉ hoạt động được nhờ có sự vận hành và điều khiển bởi bàn tay, khối óc của người công nhân. Thực tế trong những năm đổi mới đã chứng tỏ, giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong trong sản xuất vật chất. Giai cấp công nhân ngày càng được bổ sung tri thức và trở thành những người lao động có trình độ học vấn và tay nghề, thích ứng với cơ chế thị trường, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ tiên tiến hiện đại, có nhiều phát minh, sáng kiến có giá trị kinh tế được áp dụng trực tiếp vào sản xuất, góp phần quyết định vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nước ta từ nay đến năm 2030 và hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước 2/9/2045 là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển. Để thực hiện được nhiệm vụ này phải phát triển tối đa các nguồn lực, trong đó nguồn nhân lực là quan trọng nhất. Trong nguồn nhân lực của đất nước, giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, chủ yếu và tham gia trực tiếp nhất vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử quan trọng và vĩ đại này, tất yếu giai cấp công nhân phải không ngừng tăng nhanh về số lượng, phát triển về chất lượng, vững vàng về lập trường, tư tưởng và kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải thực sự là lực lượng đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Như vậy, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của giai cấp công nhân là hai nhiệm vụ phải được thực hiện đồng thời, lồng ghép vào nhau, hỗ trợ nhau. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo sự phát triển cho công nghiệp, nhờ đó đem lại những lợi ích cơ bản, trực tiếp tới người công nhân, như việc làm, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên và tạo điều kiện cho giai cấp công nhân phát triển về mọi mặt. Công nhân và công nghiệp là hai mặt của một vấn đề trong mối quan hệ biện chứng thống nhất. Sự phát triển của công nghiệp là điều kiện cho sự phát triển của công nhân. Ngược lại, mỗi bước tiến của giai cấp công nhân lại là chủ thể trực tiếp thúc đẩy công nghiệp phát triển. Trong mối quan hệ ấy, lợi ích của giai cấp công nhân gắn liền với lợi ích trực tiếp của sự phát triển công nghiệp. Mọi chủ trương đường lối phát triển công nghiệp nói riêng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung đều đem lại lợi ích cho giai cấp công nhân.