***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vận dụng giá trị cốt lõi của Trường Đại học Sao Đỏ vào đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Triết học Mác – Lênin ch sinh viên

Thứ năm - 18/01/2024 10:31
   Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ được coi là sức mạnh hàng đầu, khẳng định vai trò, vị thế của mỗi quốc gia. Do đó, giáo dục và đào tạo con người là yếu tố quyết định cho tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. Để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh về mọi mặt, ngành giáo dục - đào tạo nước ta, đặc biệt là giáo dục ở bậc đại học, phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để đào tạo ra những nhà khoa học giỏi về chuyên môn, có năng lực tư duy biện chứng phát triển ở trình độ cao. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục, Trường Đại học Sao Đỏ đẩy mạnh việc giảng dạy các môn khoa học trang bị tư duy biện chứng như các môn lý luận chính trị trong đó có học phần Triết học Mác - Lênin. Vì vậy, giảng dạy học phần triết học Mác - Lênin được Ban Giám hiệu Nhà trường quan tâm đặc biệt đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học phù hợp với giá trị cốt lõi của Nhà trường.
   Giá trị cốt lõi của Trường Đại học Sao Đỏ bao gồm các giá trị: Thực học, thực hành, thực chung, thực tâm, thực nghiệp, thực tiến. Thực học (True Learning): học thật, thi thật, không chạy theo thành tích trong thi cử; học mọi lúc, mọi nơi như ở trường, ở sách vở, học ở bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp. Học tốt hôm nay để ngày mai lập nghiệp mang lại giá trị cho cuộc sống. Thực hành (True Practice): học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, nói được làm được. Đẩy mạnh các hoạt động thực hành, thực nghiệm, trải nghiệm thực tế nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực thực hiện cùng với các kỹ năng khác để khẳng định bản thân. Thực chung (True Cooperation: là sự đoàn kết, nhất trí, chung sức đồng lòng, không gây bè phái mất đoàn kết nội bộ; sự hợp tác, tinh thần tập thể và khả năng tập hợp quần chúng để chia sẻ, giúp đỡ người khác cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tâm (True Heart): là sự nhiệt tình, trách nhiệm, khát vọng được cống hiến, sự chủ động, tính sáng tạo; sự thương yêu thân thiện; không làm những việc pháp luật không cho phép; đó là sự thật thà thẳng thắn, không vụ lợi cá nhân lấy lợi ích tập thể là trên hết và trước hết. Thực nghiệp (True Fession Devotement): là sự yêu ngành, yêu nghề; gắn bó, trân trọng, nâng niu ngành nghề mình đã chọn, việc mình đang làm để lập thân lập nghiệp; luôn chấp hành, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp; hình thành tác phong công nghiệp, văn hóa cơ quan doanh nghiệp nơi công tác. Thực tiến (True Progress): là sự tiến bộ của bản thân được đo bằng kết quả công việc cùng với sự quyết đoán; sự trưởng thành bằng năng lực và hoài bão phấn đấu của bản thân; là sự tự thân vận động, cầu thị, mưu cầu phát triển để khẳng định mình.
   Một số giải pháp nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Triết học Mác -Lênin cho sinh viên theo giá trị cốt lõi của Trường Đại học Sao Đỏ
   - Đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với giá trị cốt lõi thực học, thực hành: Giảng viên đổi mới phương pháp phải đảm bảo sinh viên học thật, thi thật, học ở khắp mọi nơi. Giảng viên  tổ chức học tập tại thư viện trong Nhà trường, giảng viên cần trau dồi các kỹ năng tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tích cực áp dụng phương pháp trải nghiệm thực tế tại địa phương, doanh nghiệp, khu di tích lịch sử, gắn lý luận với thực tiễn… Sử dụng phương pháp trải nghiệm trong giảng dạy học phần triết học có thể áp dụng khi giảng dạy Chương 3: Chủ nghĩa duy vật lịch sử, ví dụ như phần về sản xuất vật chất thì có thể tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế các khu doanh nghiệp, hợp tác xã để các em thấy được quá trình sản xuất vật chất thực tế hiện nay qua các mô hình này như thế nào; hay phần Các hình thức của ý thức xã hội có phần ý thức tôn giáo, phần này có thể cho sinh viên tham quan các di tích đền, chùa, nhà thờ … Kết quả của việc học tập là tạo nên nền tảng cho các trải nghiệm và có cái nhìn toàn diện khi đi làm việc sinh viên cần đủ các yếu tố: Kỹ năng cứng và kỹ năng mềm..
   + Phương pháp giảng dạy sơ đồ tư duy cũng phát huy khả năng tư duy sáng tạo của sinh viên, đồng thời khơi dậy khát vọng chiếm lĩnh tri thức và tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề của sinh viên. Ví dụ về sơ đồ tư duy hệ thống lại nội dung kiến thức học phần Triết học Mác – Lênin. Trong chương 1 có thể vẽ sơ đồ tư duy về hình ảnh phát triển loài trong phần nguồn gốc của ý thức. Với phương pháp này cũng giúp sinh viên giá trị thực nghiệp, thực tiến.
   + Phương pháp thảo luận nhóm để sinh viên phát huy tính tự giác, tự chủ giải quyết vấn đề, rèn luyện khả năng tổ chức cũng như giúp đỡ nhau hoàn thành công việc được giao. Phương pháp này cũng thể hiện giá trị cốt lõi "thực chung". Trong học phần triết học Mác - Lênin, rất nhiều nội dung có thể đưa ra những vấn đề thảo luận nhóm để sinh viên có thể tìm hiểu, tranh luận và đưa ra những nhận thức, quan điểm của mình, ví dụ như: Trong Chương 1 có thể đặt ra những nội dung thảo luận nhóm như: “Vai trò của triết học trong đời sống xã hội? Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh và Đảng ta vào điều kiện cụ thể Việt Nam?”; Trong Chương 2, có thể đặt ra những nội dung thảo luận nhóm như: “Hãy trình bày sự đối lập giữa hai phương pháp tư duy: siêu hình và biện chứng. Lấy ví dụ thuộc kiến thức chuyên ngành để phân tích làm rõ sự đối lập của hai phương pháp này?”, “Bằng lý luận và thực tiễn, anh (chị) hãy chứng minh luận điểm sau: "Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới mà còn góp phần sáng tạo ra thế giới”? Liên hệ với sự sáng tạo trong chuyên ngành mà anh chị đang theo học?”; Trong Chương 3 có thể đưa nội dung thảo luận:“Dựa vào quan điểm của chủ nghĩa duy vật lịch sử về con ngư­ời. Em hãy giải thích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa?”. Như vậy, phương pháp thảo luận nhóm giảng viên cũng có thể sử dụng phổ biến trong giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin. Thảo luận nhóm là cơ hội để sinh viên rèn luyện khả năng diễn đạt, khả năng lập luận lô gíc, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau đối thoại để giải quyết một vấn đề lý luận hoặc thực tiễn đặt ra.
   + Phương pháp tổ chức trò chơi để bài giảng trở nên mềm dẻo, các thành viên cũng phải hợp tác liên kết với nhau. Điều này, sinh viên dễ tiếp thu và tạo hứng thú trong quá trình học tập và cũng rèn cho sinh viên "thực chung" và "thực nghiệp". Khi giảng dạy Chương 3 giảng viên có thể tổ chức trò chơi vẽ tranh về các yếu tố của Lực lượng sản xuất….
   + Trong đó phải kể đến phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Phương pháp tự học, tự nghiên cứu để sinh viên có ý thức tự giác trong học tập. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu, kiểm tra, đánh giá nội dung tự học thường xuyên. Giảng viên cần giới thiệu tài liệu có liên quan đến học phần trong thư viện của Nhà trường, hướng dẫn sinh viên sưu tầm tài liệu tham khảo trên mạng của những trang chính thống… Bên cạnh đó, giảng viên cần khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời những sinh viên tự học tốt, những sinh viên sáng tạo, chủ động đăng ký chủ đề tự học, tự nghiên cứu và có nội dung thực tiễn cao, hình thức sáng tạo, phong phú.
   + Ngoài ra còn có phương pháp tình huống: Bản chất của phương pháp dạy học bằng tình huống ở bậc đại học là thông qua việc giải quyết những tình huống, sinh viên có được kỹ năng đối phó, tự tin và xử lý linh hoạt các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra. Phương pháp này giúp sinh viên "thực tiến".
   Đối với sinh viên:
   Cần nhận thức được tầm quan trọng của học phần Triết học Mác – Lênin, có ý thức và động cơ học tập, chuẩn bị bài ở nhà chu đáo, sinh viên hiểu rõ các giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục của Nhà trường, thông suốt chủ trương, quan điểm của Đảng.
   Đổi mới phương pháp giảng dạy Triết học Mác - Lênin gắn với giá trị cốt lõi của Nhà trường là một yêu cầu bức thiết, một nhiệm vụ quan trọng của các giảng viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần Triết học Mác - Lênin; nâng cao ý thức tự giác học tập Triết học Mác - Lênin của sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ. Trong đó, cần tập trung đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy triết học gắn liền với ngành nghề sinh viên đang theo học nhằm gắn lý luận với thực tiễn, tạo hứng thú cho người học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.
 
 

Tác giả bài viết: Ths. Đỗ Thị Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay3,719
  • Tháng hiện tại103,647
  • Tổng lượt truy cập8,627,990
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây