***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo

Chủ nhật - 18/11/2018 14:52
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó truyền thống “tôn sư trọng đạo” là một trong những giá trị truyền thống đạo đức tốt đẹp mà dân tộc ta giành cho nhũng người thầy, người cô đã dạy mình, nó đã tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.
          Trước tiên ta hiểu thế nào là tôn sư? Tôn sư là đề cao, tôn vinh, coi trọng người thầy. Vì sao vậy? Người thầy dạy chữ, dạy kiến thức cho ta, đem đến cho ta những hiểu biết để ta sống tốt hơn, có ích hơn. Người thầy lại dạy ta đạo lí, nhân cách để ta biết làm người trong xã hội. Vai trò người thầy là hết sức quan trọng, không thể thiếu đối với bất kì một quốc gia dân tộc nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thế thì sao lại không tôn vinh, đề cao người thầy? Đây là tôn vinh xuất phát từ chức năng cao quý và trách nhiệm lớn lao của người thầy.
          Thế nào là trọng đạo? Trong kết cấu hai vế cân đối tôn sư/ trọng đạo, nếu tôn sư là tôn vinh người thầy thì trọng đạo là coi trọng nghề dạy học. Đạo ở đây là đạo làm thầy, là nghề dạy học. Nghề dạy học là nghề đáng được coi trọng vì sản phẩm nó đào tạo ra chính là con người, như ai đó đã nói : “Trong các nghề thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất”. Nhân dân ta “trọng đạo» chính là trọng cái nghề «trồng người” cao quý ấy, cũng như họ đã tôn vinh người thầy là những “kĩ sư tâm hồn”.
          Truyền thống tôn sư trọng đạo xuất phát từ vị trí, vai trò của người thầy. Trong xã hội người thầy đóng vai trò hết sức quan trọng: “Không thầy đố mày làm nên”. Nếu gia đình là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nên nhân cách con người, thì sự phát triển nhân cách, sự hình thành kỹ năng,… không thể thiếu vai trò giáo dục của người thầy. Công lao của người thầy đặt ngang hàng với công lao cha mẹ.
          Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đã được dân tộc ta xây dựng và phát triển qua các thời kỳ lịch sử và được biểu hiện như:
          Thời phong kiến: Trước khi cho con đến theo học, cha mẹ sắm một mâm lễ bái lạy tổ tiên, mong con học hành sáng dạ, đỗ đạt. Sau đó gia đình có mang lễ có tính chất lòng thành dâng lên thầy tỏ lòng thành kính. Nhiều gia đình gửi học con luôn ở nhà thầy, một năm chỉ về thăm nhà vài lần, thi thoảng gia đình trò lại gửi biếu thầy ít gạo nếp, hoặc mớ rau con cá. Thời gian học nhà thầy, học trò không chỉ học chữ nghĩa mà quan trọng phải tu dưỡng bản thân, rèn luyện nhân cách sống. Khi ra đường gặp thầy phải ngả mũ nón và vòng tay chào, lúc thầy già yếu các đồng môn phải lo sắm cỗ thọ đường (áo quan).
          Khi đất nước có chiến tranh: Qua nhiều thời kỳ với nhiều khó khăn, thử thách, nhà giáo Việt Nam cũng trải qua nhiều bước thăng trầm. Thời bao cấp, cũng như các nghề khác, nhà giáo không thể sống được bằng nghề, phải làm thêm nhiều công việc khác không liên quan gì đến dạy học để kiếm sống. Xã hội không mặn mà với sự học, sinh viên  thi vào trường sư phạm chỉ là “chuột chạy cùng sào”. Nền kinh tế khủng hoảng kéo theo đạo học suy vi, nhiều nhà giáo bỏ dạy về nhà nuôi heo, gà, vá xe đạp, đạp xích lô,… Hình ảnh người thầy có phần bị mai một.
          Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, nghề dạy học được trả lại đúng vị trí. Đời sống nhà giáo ngày càng khá giả, sinh viên sư phạm được miễn học phí, trường sư phạm thu hút tài năng do đó chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng cao. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT chọn ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam” để tôn vinh nhà giáo.
          Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang chuyển mình trên tất cả các lĩnh vực thì trí tuệ con người ngày càng được coi là động lực cho sự phát triển. Vị trí của người thầy không ngừng được nâng lên và những người thầy chân chính luôn được xã hội tôn vinh kính trọng. Tuy nhiên những năm gần đây , xã hội gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức của học sinh và truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có những người thầy/cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật,.. làm tổn thương đến bao nhà giáo chân chính.
          Dù có nhiều thay đổi xong với mỗi một thế hệ học trò, dù còn ngồi trên ghế nhà trường hay đã trưởng thành trên con đường lập nghiệp vẫn luôn giữ cho mình một tình yêu mến vô bờ, một sự tôn kính với những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình nên người. Cứ đến những ngày của tháng 11, các thế hệ học trò lại cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, tìm về với mái trường xưa, những người thầy, người cô để tri ân công lao vô bờ ấy. Những biểu hiện ấy đã trở tành những nét văn hóa không thể thiếu với mỗi người con đất Việt từ bao đời nay. Ngày nay, cùng với sự phát triển với những tác động cả tích cực và tiêu cực ta phải làm gì để tiếp tục giữ gìn và phát huy những giá trị ấy cho các thế hệ mai sau?
          Trước hết: Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà các em tiếp xúc, sống và phát triển. Sự giáo dục từ phía gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người.
          Thứ hai: Nhà trường phải quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh ngay từ khi mới cắp sách đến trường và phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình giáo dục theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
          Thứ ba: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh.
          Thứ tư: Các cơ sở giáo dục phải đánh giá đúng về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc của người thầy; kịp thời động viên khen thưởng và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo; kiên quyết loại bỏ những người thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức ra khỏi đội ngũ nhà giáo.
          Thứ năm:  Xử lý nghiêm các hành vi thiếu tôn trọng, vô lễ, xúc phạm thân thể và uy tín nhà giáo. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải định hướng dư luận xã hội về giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; đấu tranh, lên án mạnh mẽ với các hành vi bất kính, vô lễ với thầy cô giáo.
          Trường Đại học Sao Đỏ đứng trên mảnh đất địa linh nhân kiệt – Thị xã Chí Linh với truyền thống là quê hương hiếu học, nơi an nghỉ của Nhà giáo muôn đời – thầy giáo Chu Văn An, cũng là một trong những vùng đất giàu truyền thống tôn sư trọng đạo, thầy và trò trường Đại học Sao Đỏ luôn có niềm tin các thế hệ thầy cô sẽ xứng đáng với vai trò là người truyền lửa, giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc./.

Tác giả bài viết: Ths: Nguyễn Thị Hải Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay6,175
  • Tháng hiện tại202,211
  • Tổng lượt truy cập6,182,495
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây