***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Gia đình và vai trò, chức năng của gia đình trong quá trình phát triển của xã hội

Thứ hai - 08/06/2020 07:48
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi thực hiện các vai trò, chức năng để con người sinh ra và lớn lên, nơi thế hệ trẻ được chăm lo cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách để hội nhập vào cuộc sống cộng đồng xã hội.
          Có nhiều quan điểm khác nhau về gia đình và vai trò của gia đình, như nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Tuấn dưới góc độ luật học thì cho rằng: "Gia đình là một tập hợp dựa trên các quan hệ về hôn nhân và huyết thống và về nuôi dưỡng đã gắn bó những người có quan hệ với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ về tài sản và nhân thân, bởi sự cộng đồng về đạo đức và vật chất, để tương trợ nhau, cùng làm kinh tế chung và nuôi dạy con cái". Còn theo tác giả Lê Thi thì quan niệm: Gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và huyết thống, nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó và cùng chung sống (cha mẹ, con cái, ông bà, họ hàng nội, ngoại). Đồng thời gia đình cũng có thể bao gồm một số người được gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ huyết thống. Các thành viên trong gia đình gắn bó về trách nhiệm và quyền lợi (kinh tế, văn hóa, tình cảm), giữa họ có những điều ràng buộc có tính pháp lý, được Nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình của nước ta). Đồng thời, trong gia đình có những quy định rõ ràng về quyền được phép và những cấm đoán trong quan hệ tình dục giữa các thành viên.
          Từ nhiều góc độ khác nhau, có thể hiểu: Gia đình là tế bào của xã hội, một thiết chế xã hội tồn tại bền vững, gắn bó với nhau trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới của bố mẹ, thông qua hôn nhân không cùng huyết thống để tái sản xuất nòi giống; hoặc thông qua quan hệ nuôi dưỡng (con nuôi...) cùng làm kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành, hiếu thảo, biết thương yêu mọi người, có trách nhiệm; trở thành người công dân có đạo đức, học vấn, nghề nghiệp, văn hóa và tạo dựng cuộc sống gia đình no ấm, hòa thuận, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.
          Cũng có thể hiểu một cách ngắn gọn: Gia đình là tế bào của xã hội, trong đó các thành viên cùng sinh sống dựa trên mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, cùng có chung những giá trị vật chất và tinh thần, cùng thực hiện các chức năng khách quan phù hợp với yêu cầu, đặc điểm của mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.
download (34)
Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm của mỗi người (ảnh minh họa)
          Vai trò của gia đình trong giai đoạn hiện nay:
         Vai trò của gia đình là một trong những nội dung then chốt của việc nghiên cứu về gia đình. Gia đình là cách thức cơ bản thỏa mãn các nhu cầu sống, sinh hoạt và phát triển của gia đình trong quan hệ với xã hội. Các nghiên cứu về gia đình dù xét trên cấp độ vĩ mô, hay xét ở cấp độ vi mô thì gia đình có những vai trò cụ thể. Gia đình được tạo lập, tồn tại và phát triển chính là do nó có sứ mệnh đảm đương những vai trò đặc biệt mà xã hội và tự nhiên đã trao cho, không một thiết chế xã hội nào thay thế được. Quan hệ giữa gia đình và xã hội cũng như quan hệ giữa các thành viên và các thế hệ trong gia đình thông qua việc thực hiện các chức năng gia đình.
        Mặt khác, gia đình là một phạm trù lịch sử. Mỗi thời đại lịch sử cũng như mỗi chế độ xã hội đều sản sinh ra một loại gia đình tương ứng, xây dựng một kiểu gia đình lý tưởng phù hợp với những vai trò lịch sử của xã hội của đó. ở thời tiền sử Mác và Ăngghen đã khẳng định: Gia đình "là quan hệ xã hội duy nhất". Khi đó, gia đình có vai trò vừa là cộng đồng lao động, vừa là cộng đồng sinh hoạt, là khuôn khổ tồn tại của xã hội, vai trò và chức năng của gia đình cũng đồng thời là vai trò và chức năng của xã hội (gia đình - xã hội sơ khai), thực hiện chức năng gia đình cũng là thực hiện chức năng xã hội và ngược lại. Khi xã hội ngày càng phát triển gắn liền với quá trình phân công lao động xã hội dẫn đến có sự độc lập tương đối của gia đình đối với xã hội, thậm chí có sự đối lập giữa gia đình và xã hội tuy trong các xã hội thị tộc, bộ lạc, sự đối lập giữa gia đình và xã hội còn rất mờ nhạt nhưng đến khi có sự hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thì sự đối lập đó chỉ có thể trở thành phổ biến. Với sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự biến đổi thì vai trò, chức năng của gia đình như là kết quả của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
          Khi bàn về vai trò và chức năng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay có thể thấy qua 5 chức năng chủ yếu như  sau:
          Một là: Chức năng sinh đẻ (tái sản xuất ra con người)
          Gia đình bắt đầu hình thành khi thực hiện nhu cầu hôn nhân (trong đó có tình dục giữa cha và mẹ - hai nhân vật chính đầu tiên kiến tạo nên gia đình), từ đó thực hiện chức năng sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống, tái sản xuất ra con người. Tái sản xuất ra con người theo nghĩa hẹp là sinh con đẻ cái, theo nghĩa rộng bao hàm cả nuôi dưỡng và giáo dục của gia đình.
          Xã hội tồn tại và phát triển dựa trên hai cơ sở quan trọng là tái sản xuất ra của cải vật chất và tái sản xuất ra chính bản thân con người. Sự tồn tại của loài người phụ thuộc vào quá trình tái sản xuất này của gia đình. Việc tái sản xuất ra thế hệ tương lai, một mặt đáp ứng yêu cầu cung cấp lực lượng lao động mới cho xã hội, mặt khác đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của chính gia đình. Con cái trở thành chỗ dựa, nguồn tình cảm của ông bà, cha mẹ và của cả dòng tộc.
          Hai là: Chức năng kinh tế (sản xuất các giá  trị vật chất)
         Cùng với quá trình phát triển lực lượng sản xuất, gia đình trở thành một đơn vị kinh tế. Gia đình là một đơn vị có chung tài sản, trước hết về mặt vật chất và sáng tạo ra các tài sản đó thông qua hành vi sản xuất, làm kinh tế. Đây là một nền tảng vật chất không thể thiếu của gia đình. Tất nhiên, mức độ biểu hiện của chức năng này rất khác nhau trong tiến trình lịch sử.
         Ba là: Chức năng tiêu dùng
          Trong hoạt động sống, gia đình luôn thực hiện việc tiêu dùng của gia đình để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày về ăn, uống, mặc, ở, đi lại, học hành, giải trí... của các thành viên gia đình. Gia đình không chỉ là một đơn vị sản xuất, mà còn là một đơn vị tiêu dùng. Gia đình trở thành nơi nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, tổ chức việc tiêu dùng vật chất và hưởng thụ các sản phẩm văn hóa sau giờ lao động.
          Bốn là: Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục
          Gia đình là nơi nuôi dưỡng và trường học đầu tiên tác động đến con người về nhiều mặt (thể chất, văn hóa, trí tuệ, xã hội, lao động…).
          Giáo dục xã hội và giáo dục nhà trường là những yếu tố quyết định để định hướng sự phát triển nhân cách. Tuy nhiên, giáo dục gia đình lại có vai trò quan trọng đầu tiên trong việc hình thành và phát triển nhân cách cá nhân. Nội dung giáo dục gia đình bao gồm các yếu tố của văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng, nhằm tạo lập và phát triển nhân cách của con người như: đạo đức, lối sống, ứng xử, tri thức, lao động và khoa học. Giáo dục gia đình được thực hiện trong suốt quá trình sống của con người với những hình thức và nội dung giáo dục cụ thể, phong phú.
          Năm là: Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm - sinh lý
          Trong quá trình sống của con người, nhiều vấn đề tâm - sinh lý thuộc giới tính, thế hệ... luôn diễn ra trong phạm vi gia đình mà trước hết là trong quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái. Bởi vậy, sự hiểu biết tâm - sinh lý cá nhân, sở thích của nhau để ứng xử phù hợp, tế nhị, chân thành, tạo nên không khí tinh thần lành mạnh, ổn định, hài hòa là vấn đề quan trọng mà gia đình phải và có thể đảm nhận.
         Như vậy, gia đình là thiết chế đa chức năng. Thông qua việc thực hiện các vai trò, chức năng trên đây mà gia đình tồn tại và phát triển, đồng thời tác động đến tiến độ chung của cộng đồng (làng, xã, khu phố...) và xã hội. Các chức năng thực hiện trong sự thúc đẩy, hỗ trợ lẫn nhau. Dĩ nhiên, việc phân chia các chức năng của gia đình chỉ là tương đối. ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, những nội dung của mỗi chức năng được biến đổi phù hợp với những điều kiện cụ thể, với quá trình phát triển xã hội. Do đó, trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển thì việc xây dựng gia đình có vai trò hết sức quan trọng và cần được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm, cũng như có chính sách phù hợp cho sự phát triển tiến bộ, công bằng và thịnh vượng của gia đình.

Tác giả bài viết: Ths. Trần Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập73
  • Hôm nay4,242
  • Tháng hiện tại104,170
  • Tổng lượt truy cập8,628,513
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây