Mở đầu Hội thảo NCS. Phạm Xuân Đức - Phó trưởng khoa đã thay mặt Ban tổ chức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và thông qua chương trình. Tiếp theo chủ trì buổi hội thảo, TS. Phạm Thị Hồng Hoa - Trưởng khoa đọc đề dẫn khai mạc Hội thảo, trong báo cáo đề dẫn chủ tọa buổi hội thảo TS. Phạm Thị Hồng Hoa đã nêu rõ vai trò của việc giảng dạy học phần kỹ năng mềm cho sinh viên, cũng như nêu rõ mục đích của Hội thảo là: Đánh giá chương trình giảng dạy của học phần Kỹ năng mềm, đề xuất các giải pháp để đổi mới phương pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần kỹ năng mềm trong thời gian tới đáp ứng với yêu cầu của các doanh nghiệp và thực tiễn. Từ đó,TS. Phạm Thị Hồng Hoa đưa ra mong muốn đối với các nhà khoa học, các thầy cô giáo và các em sinh viên đang giảng dạy, học tập học phần Kỹ năng mềm sẽ có những đánh giá khách quan về thực trạng chương trình, phương pháp giảng dạy học phần trong những năm vừa qua và đưa ranhững đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập Kỹ năng mềm cho sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ trong những năm tiếp theo.
TS. Phạm Thị Hồng Hoa chủ tọa Hội thảo đọc báo cáo đề dẫn tại buổi Hội thảo
Chuẩn bị cho buổi Hội thảo các nhà khoa học, các giảng viên, các em sinh viên đã gửi 15 bài viết đăng kỷ yếu và đã trình bày 16 ý kiến phát biểu trong Hội thảo. Các bài viết cũng như các ý kiến phát biểu tập trung vào một số nội dung về đổi mớichương trình và phương pháp giảng dạy học phần Kỹ năng mềm.Qua đó các nhà khoa học, các thầy, cô đã phân tích thực trạng, nêu những ưu điểm và hạn chế trong chương trình và phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ trong những năm vừa qua. Từ đó các đại biểu, giảng viên và sinh viên tham gia Hội thảo cũng đã nêu một số vấn đề đặt ra như:
Một là, quá trình chuẩn bị, cập nhật kiến thức, chuẩn bị cho công tác giảng dạy và học tập của sinh viên và giảng viên chưa được thường xuyên, liên tục.
TS. Nguyễn Đăng Tiến - Trưởng khoa DL&NN phát biểu tại buổi Hội thảo
TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu tại buổi Hội thảo
Hai là, sĩ số ở một số lớp quá đông, nhiều sinh viên không được tham gia các hoạt động trong quá trình học tập.
Ba là, môn học Kỹ năng mềm chưa được đưa vào điểm tích lũy môn học nên nhiều sinh viên chưa tích cực học tập.
Bốn là, sinh viên còn yếu ở một số kỹ năng như: Kỹ năng tự học, kỹ năng phản biện, kỹ năng chịu áp lực công việc.
Năm là, sử dụng phương pháp trò chơi cũng như các hoạt động rèn luyện còn đơn giản và bị bó hẹp trong không gian Hội trường.
Qua những vấn đề đặt ra, Hội thảo cũng đã đề xuất những giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho giảng viên trực tiếp giảng dạy Kỹ năng mềm. Đồng thời, giảng viên cũng cần tích cực nghe các chuyên gia giảng dạy trên mạng và đọc nhiều tài liệu nghiên cứu nội dung giảng dạy.
Thứ hai, hạn chế xếp lớp học lẻ và lớp quá đông trong học phần Kỹ năng mềm tạo điều kiện cho tất cả các sinh viên đều được rèn luyện và thực hành các kỹ năng.
Thứ ba, đưa điểm môn học Kỹ năng mềm vào điểm tích lũy năm học của sinh viên.
Thứ tư, cần đưa vào chương trình một số kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Thứ năm, tổ chức các hoạt động nhóm, các sự kiện có thể ở ngoài sân vận động tạo không gian rộng cho sinh viên và thu hút được nhiều sự quan tâm của sinh viên các lớp khác khi học Kỹ năng mềm.
Thứ sáu, tiếp tục cho sinh viên đi trải nghiệm thực tế giúp sinh viên có thái độ và hành vi đúng đắn yêu nghề, mến trường và yên tâm học tập.
Sau một thời gian làm việc rất tích cực và sôi nổi buổi Hội thảo đã thành công tốt đẹp, TS. Phạm Thị Hồng Hoa đã đưa ra một số kết luận về chương trình, phương pháp giảng dạy cũng như những giải pháp và yêu cầu đặt ra đối với giảng viên, sinh viên và bộ môn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy học phần kỹ năng mềm cho sinh viên như sau:
Về chương trình giảng dạy
Một là, nghiên cứu các chuyên đề và kỹ năng thực sự cần thiết đưa vào chương trình để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó có 4 kỹ năng mới là: Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng an toàn, vệ sinh lao động; Kỹ năng thích ứng; Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Hai là, các giảng viên cần chủ động nghiên cứu nội dung chương trình giảng dạy mới để có phương pháp giảng dạy phù hợp
Về phương pháp giảng dạy
Thứ nhất, giảng viên chú ý sử dụng phương pháp trải nghiệm, tăng cường hoạt động ngoài trời, tạo sân chơi rộng cho sinh viên.
Thứ hai, giảng viên cần đưa nhiều tình huống thực tế vào quá trình giảng dạy.
Thứ ba, giảng dạy phải gắn liền với ngành nghề của sinh viên.
Thứ tư, trong quá trình giảng dạy, giảng viên nên tạo tình huống để tăng sự phản biện giữa giảng viên với sinh viên, giữa sinh viên với sinh viên.
Về giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ năng mềm trong thời gian tới:
Một là, đối với sinh viên
- Tự nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, tự nghiên cứu, tự rèn luyện để tăng khả năng phản biện.
- Phải thay đổi từ tư duy đến hành động.
Hai là, đối với giảng viên:
- Chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.
- Tiếp tục nghiên cứu nội dung và mềm hóa hơn trong quá trình giảng dạy.
- Nên đưa ra nhiều tình huống, tạo tình huống và cùng sinh viên tháo gỡ tình huống để tạo sự năng động, tự tin cho sinh viên.
- Nghiên cứu sâu hơn về ngành nghề của sinh viên để lấy ví dụ dẫn chứng phù hợp.
- Tạo sự gắn kết giữa sinh viên cũ với sinh viên mới trong tổ chức các hoạt động.
- Có thể lấy ý kiến nhận xét của sinh viên sau buổi học để rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.
- Tổ chức nhiều hoạt động sân chơi bổ ích, chú ý lựa chọn trò chơi và phương pháp tổ chức trò chơi khi vào lớp học.
Ba là, đối với bộ môn:
- Tiếp tục tăng cường sinh hoạt bộ môn, trao đổi kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy.
- Kết hợp với phòng Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên trong công tác tổ chức giảng dạy.
- Đề xuất phương pháp, nội dung, hình thức cần bồi dưỡng kỹ năng mềm.
- Nghiên cứu, đề xuất đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết thúc học phần Kỹ năng mềm.
Buổi hội thảo khoa học năm học 2018 -2019 đã khẳng định được công tác chuẩn bị, ý thức, trách nhiệm của các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tham gia là rất tích cực. Hội thảo đã kịp thời đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng của chương trình và phương pháp giảng dạy trong thời gian qua, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đổi mới chương trình và phương pháp
giảng dạy để nâng cao chất lượng giảng dạy học phần kỹ năng mềm cho sinh viên, giúp sinh viên có được những hành trang cần thiết trong quá trình hội nhập.
NGND.TS. Đinh Văn Nhượng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu kết luận và nêu quan điểm chỉ đạo tại Hội thảo
Các đại biểu, giảng viên và sinh viên chụp ảnh lưu niện tại Hội thảo