***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm - 27/09/2018 13:58
Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành, xây dựng và gìn giữ cho mình nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp, một trong những truyền thống văn hóa đó là đạo lý “tôn sư trọng đạo”.

          “Tôn sư” là thái độ tôn kính, biết ơn thầy, cô giáo, những người đã dạy dỗ chúng ta nên người. Tôn là tôn trọng, kính trọng và đề cao; sư là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ. Vậy tôn sư có nghĩa là học trò phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập và trong cuộc sống. “Trọng đạo” là coi trọng học vấn, đạo lý và những điều học tập được qua thầy, cô. Trọng là coi trọng, tôn trọng; đạo là đạo lý, con đường làm người, đạo đức tốt đẹp của con người. Vậy trọng đạo là học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng thầy, cô giáo của mình, vì người thầy đã giảng dạy, truyền đạt cho họ đạo nghĩa, đạo đức, đạo học và những tri thức khác trong đời sống tự nhiên, đời sống xã hội,...
          Tôn sư trọng đạo là tư tưởng bắt nguồn từ Nho giáo. Trong quan điểm của Nho giáo, sự học và vai trò của người thầy luôn được đề cao. Người thầy đại diện cho những gì tôn kính nhất; đạo thầy trò là một trong những rường mối đạo đức quan trọng nhất của xã hội phong kiến (quân, sư, phụ), và ông cha ta đã tiếp thu tư tưởng này theo tinh thần "thiết thực, linh hoạt, dung hòa"; lược bớt các nghi lễ mang tính hình thức khắt khe, rườm rà, chú trọng đến nội dung nhân bản của thái độ coi trọng tri thức và mối quan hệ thầy - trò.

tải xuống

Quan hệ thầy – trò trong xã hội xưa

 

          Tôn sư trọng đạo đã trở thành một truyền thống văn hóa, đạo đức quý giá của người Việt Nam. Nhờ coi trọng việc học, tôn kính người thầy, nhân dân ta đã xây dựng nên một nền văn hiến bền vững. Thời đại nào cũng có những tấm gương hiếu học, nhiều người thầy mẫu mực và những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy - trò. Có những người thầy mặc dù đã xa khuất, nhưng tài năng, nhân cách vẫn tỏa sáng cho bao thế hệ tương lai. Thầy, cô giáo được coi là những người đã chèo lái con thuyền để đưa học trò sang bến đỗ. “Đạo” vì vậy, không chỉ dừng ở đạo làm trò và những hình thức, thái độ ứng xử đối với người thầy, mà còn là vấn đề đạo đức xã hội (đạo làm người, đạo học ở đời). “Trọng đạo” chính là một hành động thể hiện sự coi trọng hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống hiếu học của người Việt Nam.
          Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang chuyển mình với những chủ trương đổi mới trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội,… Trí tuệ của con người ngày càng được coi là động lực cho sự phát triển. Vị trí, vai trò người thầy không ngừng được nâng lên và những người thầy chân chính luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây xã hội đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về sự “xuống cấp” đạo đức của một bộ phận không nhỏ sinh viên. Nhiều hành vi vô lễ, xúc phạm, hành hung thầy, cô giáo đã được phản ánh trên các phương tiện truyền thông gây bức xúc cho dư luận. Trong đó, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giảng viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Họ có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật,... làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo” và làm tổn thương đến phẩm giá của các nhà giáo chân chính,…
          Từ thực trạng đó, thiết nghĩ, để giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo” cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà các em tiếp xúc, sống và phát triển. Sự giáo dục từ phía gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi sinh viên.
          Nhà trường phải quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho sinh viên và phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình các em học tập cho đến khi ra trường theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.
          Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, kỹ năng, mà phải là tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học trò.

F5E37FBD 67A6 442C A4BB 0AA1197E2C2A

Quan hệ thầy – trò trong xã hội nay

          Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng phải đánh giá đúng về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc của từng giảng viên; kịp thời động viên khen thưởng và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo; kiên quyết loại bỏ những người thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức ra khỏi đội ngũ nhà giáo.
          Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải định hướng dư luận xã hội về giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; đấu tranh, lên án mạnh mẽ với các hành vi bất kính, vô lễ với thầy, cô giáo.

 

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay3,546
  • Tháng hiện tại98,987
  • Tổng lượt truy cập8,467,267
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây