***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Mùng 2/9 – Ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam

Thứ bảy - 01/09/2018 03:59
Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.
          Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đổ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam“, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng đường Ba Đình, các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ canô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
         Trong không khí náo nức ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phát thanh. Thay mặt Chính phủ lâm thời - tức Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - Người đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời. Lời nói của Người trang trọng, dứt khoát nhưng đầm ấm vang trên quảng trường Ba Đình lịch sử.
          “ Hỡi đồng bào cả nước,
          Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được…”
         Người tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộcViệt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
7EE0958E7E9B32AF61AEEBDF5D51F64Bjpg720Ocache 6b7e8
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9.
          Từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. Ba mươi năm sau ngày "Tuyên ngôn Độc lập", năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc- dân chủ, tiến hành thống nhất nước nhà.
         Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
          Ngày Quốc khánh nước ta không chỉ có những ý nghĩa lịch sử mà nó còn nhắc nhở thế hệ trẻ hãy sống cho xứng đáng với sự hy sinh xương máu của cha ông để đổi lại hòa bình cho dân tộc, để bây giờ chúng ta có điều kiện học tập, lao động, sáng tạo. Thế hệ trẻ hiểu được cảnh lầm than,khổ cực của dân ta dưới ách thống trị của thực dân pháp, của chế độ phong kiến xưa, nay đã được giải phóng viết tiếp nhưng trang lịch sử dân tộc cần phải nhận thức được ý nghĩa trọng đại của những ngày lịch sử này để có những cống hiến cho đất nước xứng đáng với những gì cha ông ta để lại.
 
 

Tác giả bài viết: Th.s Trần Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay3,804
  • Tháng hiện tại99,478
  • Tổng lượt truy cập8,467,758
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây