***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên

Thứ năm - 18/01/2018 08:30
Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức cho con người đặc biệt là giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Bởi theo Người: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do các thanh niên”.
          Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề xây dựng đạo đức cho con người đặc biệt là giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Thanh niên là một lực lượng xã hội đặc thù, đóng vai trò quan trọng trong sự vận động và phát triển của xã hội. Vì vậy giáo dục đạo đức cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò hết sức quan trọng thông qua một số nội dung cơ bản sau:
          Giáo dục lý tưởng cách mạng
          Một trong những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm là giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên và quần chúng nhân dân. Bởi theo Người: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do các thanh niên”.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ lý tưởng cao cả và đúng đắn cho mỗi người cộng sản cho mỗi thanh niên chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: Người cộng sản chúng ta không được một phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước chúng ta. Mỗi thanh niên khi bước vào đời phải hình thành cho mình lý tưởng cuộc sống phù hợp với lý tưởng chung của dân tộc, phải góp cuộc đời mình vào sự nghiệp đấu tranh, từ bỏ danh lợi để tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
          Giáo dục tinh thần yêu nước
          Trong giáo dục đạo đức cho thanh niên, nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu là giáo dục tinh thần yêu nước. Tư tưởng yêu nước của thanh niên trước hết phải được thể hiện ở tư tưởng yêu tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn. Người thanh niên còn phải trung thành với lý tưởng, sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên và phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, họ còn  phải biết đặt lợi ích của Tổ quốc, của những người dân lên trên hết, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
          Giáo dục đạo đức cách mạng
          Để hoàn thiện nhân cách cho thanh niên Người chú trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Đã là người cách mạng thì phải có những phẩm chất đạo đức là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
          Chữ Cần theo Hồ Chí Minh tức là siêng năng, chăm chỉ, nghĩa là cần thì việc gì, dù khó khăn mấy cũng làm được. Trong 20 triệu đồng bào ta, có 10 triệu là thanh niên và có sức làm việc. Nếu mỗi người, mỗi ngày chỉ làm thêm một tiếng đồng hồ, thì mỗi tháng sẽ thêm lên 300 triệu giờ, mỗi năm lên 3.600 triệu giờ. Chỉ những giờ ấy đã bằng động viên 400 triệu người làm trong một ngày 9 giờ. Cứ tính một giờ làm là đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta thêm được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công.Đó là kết quả của chữ “Cần”.Với thanh niên cần là siêng học siêng làm. Vì thế, Người dạy thanh niên phải học tập tốt, lao động tốt.
          Kiệm theo Hồ Chí Minh là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Cần với kiệm phải đi đôi với nhau. Bởi cần mà không kiệm thì “làm chừng nào, xào chừng ấy”. Kiệm mà không cần thì không tăng lên, không phát triển được. Tiết kiệm ở đây không có nghĩa là bủn xỉn, tiết kiệm là chỉ tiêu xài những việc cần thiết Người viết: “Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu, khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho tổ quốc, thì dù tốn bao nhiêu công cũng vui lòng”.
          Liêm là trong sạch, không tham lam. Hồ Chí Minh đã phân tích ngày xưa người làm quan không đục khoét của dân là liêm. Nhưng chữ liêm ấy chỉ là theo nghĩa hẹp. Chữ liêm được Hồ Chí Minh mở rộng ra không chỉ đối với quan chức, cán bộ mà mọi người đều phải liêm, liêm cũng phải đi đôi với kiệm, theo Bác: “Có kiệm mới liêm được vì xa xỉ mà sinh tham lam”.
          Chính theo Hồ Chí Minh nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Trái với chính là tà. Một con người cần, kiệm, liêm thôi chưa đủ mà còn phải chính nữa. Để thực hiện tốt chữ chính, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cá nhân phải tự mình chính trước vì vậy mới giúp người khác chính được.
          Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cần thiết cho tất cả mọi người nói chung và thanh niên nói riêng. Thanh niên là lớp người trẻ nên rất cần bốn yếu tố này để hoàn thiện nhân cách xây dựng con người mới, con người xã hội chủ nghĩa.
          Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, gian khổ đi trước hưởng thụ nhận sau. Thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
          Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn là giáo dục tình yêu thương con người. Theo Hồ Chí Minh người cách mạng là người giàu tình cảm. Vì yêu thương nhân dân, yêu thương con người nên mới đi làm cách mạng, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để đem lại cơm no áo ấm, tự do cho con người. Con người mà Hồ Chí Minh nói đến là những con người cụ thể xung quanh ta. Đó là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn, đồng chí, đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại. Nó đòi hỏi mọi người luôn luôn chặt chẽ nghiêm khắc với bản thân mình, rộng lượng với người khác. Người dạy thanh niên yêu thương con người trước hết là tôn trọng nhân phẩm của con người, là tìm mọi cách nâng cao người lên. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau cùng phấn đấu cho một lý tưởng chung.
          Nhận thức rõ tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức thanh niên, trong thực tiễn giảng dạy bộ môn chính trị đã luôn quán triệt tới mỗi giảng viên cần lồng ghép tư tưởng của Người vào trong các bài giảng nhằm mục đích giáo dục sinh viên trường Đại học Sao Đỏ sống phải có lý tưởng, hoài bão, ước mơ, và tinh thần yêu nước. Đặc biệt, trong điều kiện cả nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thì mỗi sinh viên Sao Đỏ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm rèn cho mình lý tưởng sống cách mạng, trong sạch, giản dị và lành mạnh làm sao xứng đáng với sự hy sinh của cha, ông đã đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta./.

Tác giả bài viết: Th.s. Đỗ Thị Thùy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay3,579
  • Tháng hiện tại103,507
  • Tổng lượt truy cập8,627,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây