Trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Với chủ trương của Đảng coi “
… khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu“ (nghị quyết Đại hội VII của Đảng) đã tạo nền tảng cho các cơ sở đào tạo trong cả nước bước vào cuộc cải cách thực sự trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ở rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước đã bước vào công cuộc chuyển đổi từ phương pháp dạy học theo hình thức niên chế sang phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ. So với phương pháp dạy học truyền thống thì phương pháp dạy học theo tín chỉ có nhiều ưu điểm nổi bật, một trong những ưu điểm đó là thực hiện hiệu quả phương châm “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực học tập của sinh viên, tính tự giác và tư duy sáng tạo của người học, hình thành cho người học tác phong công nghiệp, năng động, thích nghi được với những biến động của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để làm cho những ưu điểm này có thể trở thành thực tiễn, không xa lạ với người học, có hiệu quả trong dạy học thì đòi hỏi người giảng viên trong quá trình giảng dạy trên lớp phải kết hợp linh hoạt các phương pháp, trong đó việc sử dụng phương pháp nêu vấn đề một cách có hiệu quả là yếu tố quan trọng làm nên thành công của các môn học.
Thực chất của phương pháp dạy học nêu vấn đề đó chính là người giảng viên đưa ra tình huống có vấn đề trong trong bài giảng để dẫn dắt, lôi cuốn sinh viên tự tranh luận, thảo luận với nhau và tìm ra câu trả lời hợp lý nhất. Phương pháp nêu vấn đề được sử dụng dưới hai hình thức:
Hình thức thứ nhất, dưới dạng tình huống có vấn đề cần phải giải quyết
Hình thức thứ hai, dưới dạng câu hỏi người giảng viên nêu ra sau đó yêu cầu sinh viên trả lời hoặc người giảng viên tự giải quyết.
Mô hình giảng dạy theo phương pháp nêu vấn đề
Dù theo hình thức nào đi chăng nữa, khi sử dụng phương pháp nêu vấn đề trong dạy học, đặc biệt là dạy học theo học chế tín chỉ người giảng viên phải nắm chắc những yêu cầu sau:
Một là, nắm chắc kiến thức môn học mà mình trực tiếp giảng dạy, đặc biệt đối với những môn khoa học xã hội người giảng viên phải là người có phông hiểu biết rộng và thường xuyên cập nhật tin tức để có kiến thức huy động cần thiết khi học sinh hỏi.
Hai là, sử dụng khéo léo và linh hoạt phương pháp nêu vấn đề, biết lọc chọn và đưa ra những câu hỏi tình huống phù hợp với nội dung bài học, tránh đưa ra những câu hỏi mang tính chất đơn điệu, không kích tích tư duy của người học.
Ba là, biết điểm dừng trong trao đổi với sinh viên về tình huống có vấn đề, hướng dẫn sinh viên đi vào đúng nội dung trọng tâm cần trao đổi.
Bốn là, người giảng viên phải biết hệ thống hóa lại kiến thức mà sinh viên đưa ra, sau đó khái quát hóa và phân tích làm rõ để sinh viên ghi nhớ nội dung kiến thức bài học.
Sử dụng phương pháp nêu vấn đề trong dạy học theo tín chỉ là việc làm cần thiết đối với giảng viên các trường Đại học, cao đẳng trong cả nước, nhưng để thực hiện có hiệu quả phương pháp này đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực sư phạm. Đó không chỉ là yêu cầu trách nhiệm riêng đối với người giảng viên mà còn là yêu cầu bức thiết đối với các cơ sở đào tạo trong bối cảnh giáo dục hội nhập hiện nay./.