***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vai trò làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm của snh viên trường Đại học Sao Đỏ

Thứ tư - 27/11/2019 17:05
Nhằm mục đích đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo để thực hiện mục tiêu gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, từ năm học 2012-2013 trường Đại học Sao Đỏ đã đưa vào giảng dạy học phần kỹ năng mềm nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình… Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, trong các tiết giảng thầy cô đã phát huy vai trò của sinh viên thông qua hình thức làm việc nhóm. Hoạt động học tập được tiến hành theo nhóm sẽ làm cho từng thành viên quen dần với sự phân công hợp tác trong lao động xã hội, tính cách của mỗi cá nhân được bộc lộ, được uốn nắn, phát triển tinh thần tương trợ, ý thức cộng đồng… nhờ đó mà hiệu quả học tập sẽ tăng lên. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng đạt kết quả cao khi học và làm việc theo nhóm, thậm chí ít hiệu quả hơn so với làm việc cá nhân vì nhiều sinh viên chưa có những kỹ năng làm việc nhóm. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng và tìm ra các giải pháp để nâng cao kỹ năng làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ đồng thời nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên là hết sức cần thiết.
1. Cơ sở lý luận về kỹ năng hoạt động nhóm
1.1. Khái niệm nhóm, hoạt động nhóm
          * Khái niệm nhóm:
          Khi nghiên cứu về nhóm, các tác giả đưa ra khái niệm như sau:
          Theo từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng “ Nhóm là cộng đồng có từ hai người trở lên, giữa các thành viên có chung lợi ích và mục đích, có sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình hoạt động chung” [1,tr561].    
          Theo tác giả Trần Hiệp “ Nhóm là một cộng đồng có từ hai người trở lên, giữa họ có một sự tương tác và ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình hoạt động chung” [2,tr68].
          Như vậy, nhóm là tập hợp là tập hợp từ hai người trở lên, giữa họ có sự tương tác khác nhau trong quá trình thực hiện hoạt động chung, nhằm đạt được mục tiêu chung của nhóm.
          * Làm việc nhóm:
          Theo Từ điển Tâm lý học của Vũ Dũng, hoạt động của một nhóm người có những đặc điểm sau [1, tr320]:
          - Cùng tham gia về phương diện không gian và thời gian của các thành viên tạo ra khả năng tiếp xúc cá nhân trực tiếp giữa họ với nhau, trong đó có sự trao đổi hành động, thông tin cũng như khả năng nhận thức lẫn nhau.
          - Có mục tiêu chung, trong đó kết quả hoạt động được dự đoán trước phù hợp với lợi ích chung, góp phần thoả mãn những nhu cầu của mỗi thành viên.
          Có thể khẳng định, làm việc nhóm là hoạt động ở đó có sự tương tác qua lại giữa các thành viên. Qua đó, các thành viên có cơ hội hợp tác, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm đạt được mục tiêu chung của nhóm.
1.2. Làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm
          Làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm là hình thức người học cùng nhau hợp tác trong nhóm để hoàn thành một công việc, một nhiệm vụ chung. Và làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm phải hội tụ đủ các yếu tố sau:
          - Sự phụ thuộc nhau một cách tích cực: Các thành viên trong nhóm phải cùng nhau làm việc để hoàn thành mục tiêu chung. Mỗi người phải có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao, kết quả học tập của cả nhóm là công sức đóng góp của mỗi thành viên.
          - Sự tiếp xúc trực tiếp thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả: Các thành viên trong nhóm phải gặp gỡ nhau thường xuyên để thảo luận nhiệm vụ chung của nhóm. Đây là cơ hội để các thành viên tiếp xúc với nhau, để hiểu nhau, lắng nghe ý kiến của người khác và đóng góp ý kiến của mình.
          - Trách nhiệm với tư cách “ tôi” và tư cách “ chúng ta”: Mỗi thành viên phấn đấu cho mình và cho nhóm. Mỗi cá nhân phải hiểu họ được tính điểm dựa trên đóng góp của mình cho nhóm, điều này giúp các thành viên chia đều trách nhiệm cùng nhau mà không đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Khi thành tích cá nhân được nhóm công nhận, họ sẽ lỗ lực hơn và phấn đấu nhiều hơn cho thành công chung của nhóm.
          - Làm việc nhóm hiệu quả cần các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng giải quyết vấn đề,… Để đạt được mục tiêu trong hoạt động nhóm, người học buộc phải có những kỹ năng này, từ đó họ sẽ có tinh thần hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ người khác.
          - Đánh giá quá trình làm việc nhóm: Khi các thành viên tham gia đánh giá đóng góp của cá nhân cho hoạt động chung của nhóm, nó sẽ thúc đẩy các thành viên phát huy năng lực cao hơn; khi các thành viên được đánh giá thường xuyên họ sẽ phải chú ý đến giao tiếp hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện mục tiêu chung của nhóm.
          Có thể khẳng định, tổ chức làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm là tạo cơ hội cho sinh viên chủ động tham gia, chia sẻ kiến thức và cùng nhau đưa ra quyết định, là người điều chỉnh quá trình học tập, đây là động lực tích cực giúp sinh viên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình.
2. Đánh giá chung về sử dụng phương pháp làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm của sinh viên Đại học Sao Đỏ
          Trong chương trình đào tạo học phần kỹ năng mềm của trường Đại học Sao Đỏ, kỹ năng hoạt động nhóm chỉ có thời lượng giảng dạy là 3 tiết trong học kỳ III, tuy thời lượng sinh viên được học không nhiều nhưng việc rèn luyện kỹ năng này thì được diễn ra thường xuyên, liên tục ở hầu hết các kỹ năng khác trong học phần cho nên đòi hỏi sinh viên phải có những kỹ năng hoạt động nhóm cần thiết mới đem lại kết quả học tập hiệu quả.
            Tuy nhiên, theo khảo sát 200 sinh viên về việc đánh giá mức độ hiệu quả khi hoạt động nhóm trong học tập kỹ năng mềm, kết quả như sau: Có tới 84 SV (chiếm 42%) ý kiến đánh giá ở mức độ bình thường, 80SV (chiếm 40%) ý kiến đánh giá ở mức có hiệu quả, có 36 SV (chiếm 18%) ý kiến đánh giá hoạt động nhóm không hiệu quả. Từ những số liệu này cho thấy, phương pháp tổ chức học tập theo nhóm chưa phát huy hết ưu thế của nó trong sinh viên Đại học Sao Đỏ. Vì vậy, mỗi giảng viên, sinh viên cần phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả của làm việc nhóm.
3. Một số giải pháp cơ bản nâng cao kỹ năng hoạt động nhóm trong học tập của sinh viên Đại học Sao Đỏ
* Đối với giảng viên:
          - Tích cực hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy học phần kỹ năng mềm, thường xuyên tổ chức dạy học theo nhóm như tổ chức các chuyên đề thảo luận, giao bài tập dự án theo nhóm.v.v.
          - Nhóm trong học kỹ năng mềm thường đông nên nhiều sinh viên không có cơ hội để rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, cho nên giảng viên cần chia lớp thành các nhóm nhỏ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được rèn luyện kỹ năng.
          - Giảng viên cần quan tâm hơn trong việc bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm trong học tập các kỹ năng khác cho sinh viên.
          - Giảng viên cần định hướng, đánh giá thường xuyên và tham gia làm việc cùng nhóm, hỗ trợ các nhóm khi cần thiết.
* Đối với sinh viên:
          - Sinh viên cần nhận thức đúng đắn về kỹ năng làm việc nhóm, hiểu rõ được vai trò và tác dụng của kỹ năng làm việc nhóm trong học tập kỹ năng mềm, có ý thức rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm thường xuyên.
          - Sinh viên cần tích cực tham gia hoạt động nhóm trong và ngoài giờ học, tham gia các hoạt động ngoại khoá trong và ngoài trường… để phát triển kỹ năng làm việc nhóm của mình.
Kết luận
          Làm việc nhóm là phương pháp học tập chính, có vai trò to lớn trong việc rèn luyện các kỹ năng trong học phần kỹ năng mềm. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hết tính ưu việt cũng như hiệu quả của nó. Vì thế muốn làm việc nhóm hiệu quả, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu và thiết thực cả về nhận thức và các kỹ năng tổ chức.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Vũ Dũng (Chủ biên)(2008), Từ điển tâm lý học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[2]. Trần Hiệp (1996), Tâm lý học xã hội- Những vấn đề lý luận, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3]. Trần Thị Thu Mai (2000), Về phương pháp học tập theo nhóm, Tạp chí nghiên cứu Giáo dục, số 12/2000.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay576
  • Tháng hiện tại203,284
  • Tổng lượt truy cập6,183,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây