***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Đổi mới phương pháp dạy học kỹ năng mềm cho sinh viên trường Đại học Sao Đỏ hiện nay

Thứ năm - 17/10/2019 23:03
Khi cuộc sống ngày càng phát triển, môi trường làm việc ngày càng trở nên năng động với tính cạnh tranh cao thì yêu cầu đặt ra đối với sinh viên phải quan tâm đến việc học tập và hoàn thiện các kỹ năng mềm của bản thân. Để nâng cao chất lượng hơn nữa trong công tác giảng dạy đối với môn học này, đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên thay đổi phương pháp, cách thức giảng dạy, sinh viên thay đổi cách thức học tập. Vì vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm, đáp ứng hơn nữa yêu cầu của thị trường lao động là vấn đề cấp thiết hiện nay trong nhà trường.
          Sự cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm trong nhà trường hiện nay
          Thực tế các nhà tuyển dụng thường lựa chọn nhân sự dựa trên một số kỹ năng quan trọng như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thích ứng, kỹ năng giải quyết vấn đề,… những kỹ năng đó giúp cho người lao động có khả năng hợp tác tốt với đồng nghiệp, bình tĩnh đối phó với những khó khăn có thể xảy ra trong doanh nghiệp, có khả năng đáp ứng mọi công việc mà công ty cần. Để giú sinh viên tích cực rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng mềm cho bản thân khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Giảng viên phải là người giúp cho sinh viên thực hiện phương pháp nào tiếp cận nhanh nhất, dễ nhất và gây hứng thú nhất để phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo trong học tập, đòi hỏi giảng viên phải luôn có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy.
          Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng gắn với các hoạt thực tế.
          *  Tăng cường phương pháp hoạt động theo nhóm
          Thực hiện phương pháp giảng dạy hoạt đông nhóm hiệu quả hơn nữa, giảng viên cần phải tổ chức và quản lý hoạt động theo nhóm ngay từ buổi đầu tiên giảng dạy môn học.
          Thứ nhất: Chia nhóm: Tùy theo thời gian và quy mô lớp học giảng viên cần điều chỉnh sao cho có sự cân bằng trình độ, năng lực học tập giữa sinh viên các nhóm với nhau, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập giữa các thành viên trong nhóm.
          Thứ hai: Giao nhiệm vụ và tổ chức hoạt động cho các nhóm: Nhiệm vụ thực hiện có thể hoạt động tại trong lớp học hoặc hoạt động bên ngoài lớp học hay ngoài giờ học tập. Đặc biệt giảng viên cần chú trọng nhiệm vụ hoạt động theo nhóm ngoài sân trường và ngoài giờ lên lớp.
          Thứ ba: Đánh giá kết quả hoạt động theo nhóm: Sự đánh giá và kết luận của giảng viên cũng tác động không nhỏ đến chất lượng làm việc nhóm. Đồng thời, giảng viên hãy để các nhóm tự cho điểm lẫn nhau, đây là một kênh để đảm bảo cho sinh viên phát huy khả năng tổng kết đánh giá. Và cũng giúp cho giảng viên có thể đưa ra kết quả cuối cùng phù hợp nhất.
           *  Phương pháp trải nghiệm thực tế.
          Một số hình thức trải nghiệm thực tế giảng viên nên vận dụng vào giảng dạy môn học kỹ năng mềm như: Trải nghiệm bằng tình huống (Giảng viên đưa ra các tình huống có vấn đề yêu cầu sinh viên phải xử lý, ứng phó); Trải nghiệm qua đóng vai: Giảng viên tổ chức cho sinh viên thực hành, làm thử một số cách ứng xử nào đó trong tình huống giả định hoặc tình huống thật; Trải nghiệm qua việc tham gia các trò chơi: Mỗi một kỹ năng giảng viên nên tổ chức hoạt động trò chơi theo nội dung kỹ năng giảng dạy để sinh viên được tham gia thực hành kỹ năng đó; Trải nghiệm thực tế  trong và ngoài trường (Đối với trong trường giảng viên phân ra theo nhóm, theo chuyên ngành sinh viên học mà phân công nhiệm vụ. VD đối với sinh viên khoa điện cho các em kiểm tra hệ thống thiết bị điện ở các phòng học; sinh viên khoa Hóa học thực phẩm trải nghiệm làm bánh; sinh viên khoa May trải nghiệm thiết kế trang phục, hay tổ chức giao lưu bóng đá, văn hóa văn nghệ các nhóm/lớp. Hoạt động trải nghiệm ngoài trường. Giảng viên liên hệ với các điểm di tích, các trung tâm bảo trợ xã hội, các doanh nghiệp, các xã/phường lân cận)
          *  Hoạt động ngoài giờ lên lớp thông qua việc tham gia các câu lạc bộ trong trường
          Hiện nay trong nhà trường có rất nhiều các câu lạc bộ của sinh viên (CLB thiện nguyện, CLB truyền thông, CLB khởi nghiệp, CLB âm nhạc, CLB tiếng Anh…, giảng viên giới thiệu về các câu lạc bộ cho sinh viên, nêu ý nghĩa và tầm quan trọng cho sinh viên biết được khi tham gia các câu lạc bộ đó. Nội dung thực hiện nhiệm vụ thông qua nhiều hoạt động qua các câu lạc bộ như: Tổ chức giao lưu văn nghệ, giao lưu với các trường kết nghĩa,  tìm hiểu truyền thống về nhà trường, tìm hiểu văn hóa địa phương, tham gia tình nguyện trong các dịp lễ hội ở địa phương, thăm viếng và dọn vệ sinh nghĩa rang liệt sĩ, tổ chức buổi thiện nguyện quyên góp giúp đỡ những bạn sinh viên trong trường có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, lao động giúp đỡ địa phương,  sinh hoạt câu lạc bộ theo chuyên đề phù hợp với lứa tuổi, tham gia nhóm bạn cùng sở thích về lĩnh vực thể thao ( cầu long, bóng truyền, bóng rổ, bóng đá, khiêu vũ)
          *  Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kỹ năng mềm.
          Năm học 2019-2020, nhằm tăng cường hoạt động thưc tiễn của sinh viên để năng cao kỹ năng, khoa đã điều chỉnh cách đánh giá học phần kỹ năng mềm. Riêng kỳ 4 và kỳ 8 sinh viên sẽ hoạt động theo nhóm bằng các hình thức trải nghiệm bên ngoài với kiến thức các kỳ học sinh viên tích lũy được và có sự hướng dẫn của giảng viên. Kết thúc kỳ 4 và kỳ 8, sinh viên báo cáo những sản phẩm, công việc, quá trình thực hiện thông qua:  clip, sản phẩm thực tế, hình ảnh, giấy xác nhận nơi sinh viên tác nghiệp, sân khấu hóa, những hoạt động thông qua các câu lạc bộ, những nhóm cùng sở thích, các hoạt động của đoàn thanh niên,… trên cơ sở đó đánh giá điểm tích lũy cho kỳ 4 và kỳ 8.
          Kết luận: Như vậy, cùng với kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm góp phần quan trọng giúp  hoàn thiện năng lực của bản thân họ đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn thị trường lao động và nghề nghiệp, giúp người học phát triển bản thân và sự nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Trách nhiệm của giảng viên là tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm cho người học bằng những phương pháp hữu hiệu nhất, tạo ra những trải nghiệm học tập thú vị, bổ ích và hiệu quả, hướng vào đào tạo theo định hướng phát triển năng lực đầu ra cho người học.

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Hải Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,982
  • Tháng hiện tại64,051
  • Tổng lượt truy cập5,867,735
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây