***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Bảo vệ nguồn nước hướng đến phát triển bền vững và những hành động của sinh viên Đại học Sao Đỏ

Thứ sáu - 22/03/2019 08:30
Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người, nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai, đồng thời giảm thiểu tổn hại tới hệ thống kinh tế - xã hội và môi trường.
          Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
          Kể từ đầu thế kỷ 20, lượng nước tiêu thụ toàn cầu tăng 7 lần, chủ yếu do sự gia tăng dân số và nhu cầu về nước của từng cá nhân. Cùng với sự gia tăng dân số và khát vọng cải thiện cuộc sống của mỗi quốc gia và của từng cá nhân, thì nhu cầu về nước ngày càng gia tăng. Vì vậy, trên thực tế việc đảm bảo cấp nước đáp ứng về chất lượng cho toàn bộ dân số toàn cầu và bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm. Do sự biến đổi về nhiệt độ và lượng mưa, hiện nay nhiều nơi đã thường xuyên không có đủ nước để đáp ứng nhu cầu. Vì thế, trong thế kỷ 21, thiếu nước sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đe doạ quá trình phát triển bền vững trên toàn cầu.
Tài nguyên nước của Việt Nam (Nguồn báo điện tử 24h)
          Theo đánh giá của nhiều cơ quan nghiên cứu về tài nguyên nước, hiện tại có khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới bị thiếu nước và đến năm 2025 con số này sẽ là 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới sẽ rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng. Ở một số quốc gia, lượng nước cho mỗi đầu người đang bị giảm đáng kể.
          Ở Việt Nam, trong vài thập kỷ gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỷ lệ nghèo đói trên cả nước đã được giảm đáng kể. Kinh tế có mức tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Để có được những thành tựu trên, không thể phủ nhận sự đóng góp vô cùng quan trọng của tài nguyên nước. Nước còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
          Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần phải giải quyết: Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả; tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng, trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả; thiên tai, bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng; mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng được yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn,...
          Trước thực trạng đó, yêu cầu đặt ra trong bảo vệ tài nguyên nước là phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Theo đó, cần: Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tài nguyên nước tại các địa phương; đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các Đề án Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất đã được phê duyệt, gồm: Đề án bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn (phê duyệt năm 2013) và Đề án điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt khu vực thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước dưới đất (phê duyệt năm 2016); tăng cường công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất; điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất, kiểm kê tài nguyên nước ở các địa phương để phục vụ công tác quản lý; tổ chức triển khai Nghị định quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất khi được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành, trong đó các địa phương cần bố trí nguồn lực thực hiện việc điều tra, đánh giá để khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và tổ chức triển khai thực hiện.
60AD2080 BFC4 4CFD A00D 278A37F1AB9B
Sinh viên Đại học Sao Đỏ chung tay bảo vệ môi trường
          Cùng với cộng đồng chung tay bảo vệ tài nguyên nước hướng tới phát triển bền vững, sinh viên Việt Nam nói chung, sinh viên Đại học Sao Đỏ nói riêng đã có nhiều hành động tích cực vì môi trường, cũng như sử dụng nước tiết kiệm để mọi người đều có nước dùng. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mỗi hành động của các bạn sinh viên không chỉ mang lại lợi ích cho nhiều người, mà còn có thể tạo ra sự lan tỏa đối với những người xung quanh, từ đó góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng nước trong cộng đồng.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay2,242
  • Tháng hiện tại112,326
  • Tổng lượt truy cập8,480,606
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây