Ngay khi trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiến hành nhiều công việc quan trọng. Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941). Hội nghị đã đưa ra những quyết sách quan trọng, trước hết là chuyển hướng chiến lược cách mạng, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương; nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập, tự do cho dân tộc; tập trung giải quyết đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Nghị quyết nêu rõ: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi hỏi độc lập tự do cho toàn dân tộc, thì không những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến hàng vạn năm cũng không đòi lại được”
(1)
Theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh vào ngày 19/5/1941 nhằm liên hiệp đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, kể cả xu hướng chính trị, cùng nhau giải phóng và sinh tồn. Việc thành lập Mặt trận Việt Minh là chủ trương mang tính chiến lược, sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. ta trong tình hình mới. Cao Bằng là nơi thí điểm cuộc vận động xây dựng các Hội cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh. Đến năm 1942, khắp các châu ở Cao Bằng đều có Hội cứu quốc, trong đó, có 3 châu “hoàn toàn”. Tiếp đó, Uỷ ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Uỷ ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng được thành lập.
Ngoài ra, Người rất chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng. Đi đến đâu, làm việc gì, Người cũng dựa vào quần chúng, được quần chúng bảo vệ, che chở. Phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng của Người rất phong phú, đa dạng, linh hoạt, thiết thực, hiệu quả. Người đặc biệt chú trọng tới việc tuyên truyền giác ngộ đồng bào các dân tộc vùng cao do họ còn rất nghèo, trình độ văn hóa thấp, lại bị đế quốc tay sai kìm kẹp, chia rẽ. Người căn dặn cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động là phải làm thế nào cho “dân tin, dân phục, dân yêu”, phải tin dân, gần dân, trọng dân, giải quyết những khó khăn cho nhân dân. Có như vậy mới vận động được nhân dân, mới xây dựng lực lượng cách mạng, cách mạng mới thành công.
Người nhận định: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự”
(2). Vì vậy, đầu tháng 12-1944, Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Trong chỉ thị thành lập, Người nêu nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.
Cùng với việc xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn chú trọng xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vùng Bắc Sơn, Võ Nhai được xây dựng thành căn cứ địa. Năm 1941, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa dựa trên cơ sở lực lượng chính trị được tổ chức và phát triển. Đó là hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng nước ta. Trong những vùng căn cứ cách mạng, hàng ngày diễn ra hoạt động sản xuất, xây dựng, chiến đấu, hoạt động của các đoàn thể cứu quốc, lực lượng vũ trang.
Sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, không chỉ tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX mà còn để lại nhiều bài học quý giá. Đó là bài học về xác định “thời cơ”, nhiệm vụ cách mạng, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước sự thay đổi của tình hình. Thực hiện con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn liền với những nhiệm vụ về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tài liệu tham khảo
1. ĐCSVN:
Văn kiện Đảng 1930-1945, 1977, t.3, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.196.
2. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1977, tr.129-130, 130, 130.