***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần lý luận chính trị cho sinh viên trong thời đại công nghiệp 4.0

Thứ năm - 15/10/2020 22:17
Trên thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi căn bản lối sống, phong cách làm việc, phương thức giao tiếp của con người, thay đổi cơ cấu lao động và thị trường lao động,... Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu sự tác động của cuộc cách mạng này nhanh hơn cả bởi giáo dục tạo ra những phiên bản mới của các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo. Điều này đặt ra cho giáo dục đại học những thách thức vô cùng lớn, đó là nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích nghi, đáp ứng yêu cầu mới mà phương pháp giáo dục đại học truyền thống không đáp ứng được. Do đó, việc giảng dạy các học phần chính trị ở các trường đại học, cao đẳng đang đứng trước nhiều thách thức mới trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, khơi dậy hứng thú học tập của sinh viên. Và việc giảng dạy các học phần lý luận chính trị ở trường Đại học Sao Đỏ cũng cần đẩy mạnh đổi mới phương pháp để nhanh chóng bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
1. Khái quát cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
          Lịch sử nhân loại đã và đang trải qua bốn cuộc cách mạng công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt nguồn từ động cơ hơi nước cùng với sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ XIX lan rộng từ Anh đến châu Âu và Hoa Kỳ, là cuộc cách mạng công nghiệp sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, từ khoảng 30 năm cuối của thế kỷ XIX đến khi thế chiến thứ nhất nổ ra, diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép. Cuộc cách mạng công nghiệp này sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất đại trà. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba xuất hiện vào cuối thế kỷ XX với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, là sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học. Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật, không chỉ giúp con người giao tiếp với con người mà con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau.
2. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục đại học.
          Để đáp ứng được xu thế của sự phát triển này, quá trình dạy và học ở các trường đại học cũng phải được thay đổi cho phù hợp. Đối với quá trình dạy, giảng viên không chỉ dừng lại ở việc dạy cho sinh viên cái mình đang có, mà phải hướng tới dạy sinh viên sáng tạo ra cái mới. Học tập để cạnh tranh chứ không phải để lấy bằng cấp như trước. Cần chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực sinh viên; chuyển từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chỉ chú trọng giáo dục nhân cách nói chung sang kết hợp giáo dục nhân cách với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Còn với việc học, cần chuyển từ học thuộc, nhớ nhiều sang hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, tư duy độc lập. Sinh viên có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau như: từ các giảng viên, từ thư viện, từ các cuộc thảo luận, hội thảo khoa học, từ các cơ sở thực nghiệm và từ thực tiễn xã hội. Đặc biệt, với sinh viên là người lao động trong tương lai cần thay đổi suy nghĩ học một lần cho cả đời bằng việc học cả đời để làm việc cả đời.
3. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần lý luận chính trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
          -  Đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng tiếp cận năng lực khoa học và phẩm chất nghề nghiệp tương lai của sinh viên.
          Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp để nhằm góp phần tạo ra những “sản phẩm” chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của xã hội .
          Mục đích của việc đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của sinh viên; tránh thái độ thụ động, rập khuôn theo bài giảng của giảng viên, từ đó sinh viên có được phong cách tư duy độc lập trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị sẽ góp phần làm cho sinh viên thêm quan tâm, hứng thú học tập và nghiên cứu, từ đó sẽ thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học các môn khoa học này.
          Điều đó đòi hỏi người giảng viên lý luận chính trị trước hết phải thường xuyên khơi dậy, rèn luyện và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự đặt vấn đề và tự giải quyết vấn đề của sinh viên ngay trong quá trình học tập ở trường. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị Seminar,… Đây là quá trình rèn luyện cho sinh viên năng lực tư duy chính xác và phẩm chất tư duy biện chứng. Mà điều này thì cực kỳ cần thiết vì như Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận.
          Trong đổi mới phương pháp giảng dạy, người giảng viên lý luận chính trị cần phải phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong quá trình lĩnh hội tri thức. Điều đó có thể thực hiện được thông qua việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như: phương pháp nêu vấn đề, vấn đáp, đàm thoại, thảo luận nhóm, trực quan và sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn các phương pháp với nhau tùy điều kiện cụ thể. Giảng viên cần có phương pháp xây dựng các tình huống đòi hỏi sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức của sinh viên. Bản thân mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm. Do vậy, không nên coi bất kỳ phương pháp nào là tối ưu cho việc truyền thụ tri thức bài giảng. Thậm chí cùng là một bài giảng, nhưng khi giảng cho các đối tượng khác nhau thì phương pháp vận dụng cũng phải khác nhau.
          Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học các môn lý luận chính trị cần phải thực hiện triệt để phương châm lấy người học làm trung tâm, cho nên người giảng viên cần kết hợp nhiều phương pháp dạy học khác nhau tùy thuộc vào nội dung bài giảng và đối tượng sinh viên. Thông qua đó, sinh viên rèn luyện được các kỹ năng cần thiết như kỹ năng diễn đạt, thuyết trình, thảo luận; kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề; kỹ năng nói trước đám đông; kỹ năng tổ chức các hoạt động chuyên môn. Để kích thích tính chủ động của sinh viên thì người giảng viên cũng phải luôn luôn động não, phát huy tính sáng tạo của mình trong quá trình triển khai bài giảng, đồng thời sinh viên phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến vào bài học.
          * Đưa thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị như thế nào cho có hiệu quả
          + Xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa loại hình, cấp độ thực tiễn nào thì phù hợp.
          + Nắm vững đối tượng sinh viên và hoàn cảnh cụ thể của lớp học để liên hệ thực tiễn cho phù hợp.
          + Những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình, có ý nghĩa chung chứ không chỉ ngẫu nhiên mà giảng viên chợt nghĩ ra trong tiết giảng.
          + Phải quan tâm tới các sự kiện thực tiễn mang tính thời sự, đang được xã hội quan tâm nhiều.
          + Mỗi yếu tố thực tiễn đều phải có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực.
          + Khi đưa thực tiễn vào liên hệ nên có sự phân tích để người học thấy được thực tiễn liên hệ có phù hợp lý luận hay không, thực tiễn đó mang ý nghĩa tiêu cực hay tích cực để định hướng sinh viên.
          + Các giảng viên cần chú ý thực hiện thật tốt khâu chuẩn bị bài giảng; vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, ví dụ như khi soạn giáo án, người giảng viên cần chuẩn bị hệ thống trước các câu hỏi (câu hỏi đóng và câu hỏi mở), các tình huống… phù hợp với từng nội dung của bài giảng. Giảng viên thiết kế bài giảng trên Powerpoint, lựa chọn các từ khóa ngắn gọn, hình ảnh, sơ đồ phù hợp… tạo ra sự sinh động trong tiết giảng và gây hứng thú cho sinh viên, để sinh viên dễ nhớ, dễ hệ thống được bài học. Giảng viên cần phải linh động trong việc sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực cũng như sử dụng thành thạo vi tính và các phương tiện dạy học hiện đại trực quan, bao gồm: máy vi tính, máy chiếu, radio, ghi âm, video,... kết hợp với các đồ dùng học tập kích thích sự tìm tòi, đi sâu nghiên cứu và học tập của sinh viên.
          Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ cuộc sống chúng ta. Tác động của nó diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng an ninh. Để thích ứng với cuộc cách mạng trên,  công tác giảng dạy cần đổi mới từ nội dung chương trình, sách giáo khoa tới phương pháp giảng dạy, đánh giá...mà trước hết là đổi mới phương pháp giảng dạy trong cuộc cách mạng 4.0 để tuyên truyền, giáo dục sinh viên.., nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Tác giả bài viết: NCS: Nguyễn Thị Hải Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập39
  • Hôm nay3,222
  • Tháng hiện tại65,291
  • Tổng lượt truy cập5,868,975
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây