Mục đích trọng tâm và xuyên suốt trong tư tưởng về giáo dục và đào tạo của Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, xây dựng con người mới và đào tạo ra những con người biết làm chủ nước nhà. Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay cần đào tạo được những con người xã hội chủ nghĩa và phải biết chú trọng nhiệm vụ học tập.
Để thực hiện được mục đích trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nền giáo dục mới phải có nội dung toàn diện
và đào tạo ra những con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong giáo dục cần tránh tình trạng học lệch về một mặt nào đó, nặng về chuyên môn, xem nhẹ quan điểm tư tưởng, nặng lý thuyết, xem nhẹ thực hành. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tính toàn diện, cả năng lực và phẩm chất của người học. Trước hết phải
giáo dục chính trị tư tưởng giúp khắc phục tư tưởng lạc hậu, nâng cao tinh thần tự giác, tính tích cực của người học. Đồng thời phải
giáo dục đạo đức cách mạng,
văn hóa, chuyên môn và văn hóa ứng xử trong nhà trường. Với nội dung giáo dục toàn diện như trên, đã góp phần đào tạo những con người phát triển cả phẩm chất và tài năng của con người mới - con người xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Từ đó, Hồ Chí Minh đã đưa ra một số phương pháp như sau:
Thứ nhất, kết hợp học với hành, lý luận gắn với thực tiễn;
Thứ hai, dạy học phải phù hợp với trình độ người học, phù hợp với lứa tuổi;
Thứ ba, học tập phải liên tục và suốt đời;
Thứ tư, sửa đổi triệt để chương trình, sách giáo khoa cho phù hợp với từng giai đoạn và nhiệm vụ của cách mạng như kháng chiến, kiến quốc, khôi phục kinh tế, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà, v.v.. Như vậy, để chuyển tải nội dung giáo dục một cách có hiệu quả nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những phương pháp hết sức sinh động và thiết thực. Tất cả những phương pháp đó luôn mang tính linh hoạt, mềm dẻo, ứng phó kịp thời với mọi tình huống trong giáo dục. Để thực hiện được những phương pháp giáo dục đó cần phải xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của thầy, cô giáo đối với xã hội. Giáo viên phải là những người có chuyên môn vững và phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con". Với quan điểm như vậy, trong quá trình giáo dục, người giáo viên phải luôn ý thức trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chăm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi.
Quán triệt tư tưởng của Người, các trường Đại học nói chung, trường Đại học Sao Đỏ nói riêng
luôn chú trọng công tác giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Sao Đỏ đã đào tạo nhiều thế hệ học trò có kiến thức chuyên môn, kỹ năng giỏi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với xu thế xã hội.
Trường đã tập trung chủ yếu vào phong trào dạy tốt, học tốt. Theo đó, trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ mới trong đào tạo, quản lý; thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, chống tệ nạn xã hội; thi đua xây dựng văn hóa cơ quan, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên chức và sinh viên.
Hiện nay, Trường Đại học Sao Đỏ đào tạo theo định hướng đại học ứng dụng, bên cạnh việc ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm các ngành kỹ thuật truyền thống như: Cơ khí, Điện, Ô tô,... đưa các ngành này trở thành ngành mũi nhọn thì các ngành khác như: Kế toán, Công nghệ thực phẩm, Việt Nam học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh... cũng được nhà trường quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Thực hiện phương châm: “Đào tạo gắn với nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ - Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế - Nhà trường gắn liền với doanh nghiệp - Sinh viên ra trường có sức khỏe, năng lực và kỹ năng nghề nghiệp, tự tin, sáng tạo, có việc làm thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến” bên cạnh việc trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn giúp các em có kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, nhà trường còn chú trọng đến việc trang bị kỹ năng mềm cho các em ngay từ học kỳ đầu tiên. Thông qua học phần kỹ năng mềm, sinh viên được trang bị đầy đủ về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm… Chính vì vậy, sinh viên nhà trường luôn thể hiện sự năng động, tự tin, thái độ cầu tiến và được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Được sự quan tâm của Đảng bộ, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giảng viên học tập nâng cao trình độ. Hiện nay, Trường có gần 300 cán bộ, giảng viên, trong đó có 15,6% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ tiến sĩ, còn lại đều có trình độ thạc sĩ, và có một số giảng viên đang làm nghiên cứu sinh trong và ngoài nước như: Nga, Pháp, Trung Quốc,... Khi các cán bộ, giảng viên hoàn tất khóa học tiến sĩ, Nhà trường đã tổ chức vinh danh các tân tiến sĩ nhằm động viên, khích lệ họ.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người, chiến lược phát triển giáo dục ở Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua và thời gian sắp tới. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trường Đại học Sao Đỏ đã đưa ra được mục tiêu và hướng tới nội dung và phương pháp giáo dục đúng đắn, phù hợp với “Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ” đã góp phần quan trọng vào sự thành công của mỗi sinh viên trong quá trình lập nghiệp. Bên cạnh kiến thức chuyên môn vững vàng, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ còn chinh phục được các nhà tuyển dụng ngay cả những nhà tuyển dụng khó tính đó chính là sự tự tin, năng động, nhiệt huyết, ham học hỏi, không ngại khó khan, gian khổ, sẵn sàng nhận bất cứ sự phân công công việc nào và khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ tốt.