Đảng ra đời trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động. Về hoàn cảnh quốc tế từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là: chủ nghĩa tư bản chuyển từ do cạnh tranh sang độc quyền, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã có tác động đến nước ta. Trong khi đó, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược năm 1858. Chúng đã tiến hành khai thác thuộc địa làm cho xã hội bị phân hóa sâu sắc và hình thành thêm các giai cấp, tầng lớp mới. Rất nhiều phong trào yêu nước đã diễn theokhuynh hướng tư sản, phong kiến đều bị thất bại. Phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản ngày càng phát triển, chuyển đấu tranh từ tự phát sang tự giác, các tổ chức cộng sản đã ra đời là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức này đã họp Hội nghị hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kể từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành lại chính quyền từ thực dân Pháp và phát xít Nhật. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Mặc dù đã giành được chính quyền, nhưng Đảng phải tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh để giữ vững chính quyền ấy và giành lại độc lập dân tộc vì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thực dân Pháp rút quân về nước, đế quốc Mỹ nhảy vào trực tiếp xâm lược nước ta. Đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, kết thúc 30 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI đến nay là một công trình sáng tạo lớn. Trải qua hơn 30 năm phấn đấu bền bỉ, công cuộc đổi mới đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đẩy mạnh. Ðời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên.
Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 89 năm qua đã hun đúc nên truyền thống vinh quang của Đảng,đó là: Truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; Truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; Truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí và truyền thống đoàn kết quốc tế thuỷ chung, trong sáng dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả.
Tiếp nối truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và viên chức, viên chức trường Đại học Sao Đỏ luôn quyết tâm và nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và đáp ứng nhu cầu xã hội hướng tới chào mừng kỉ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng với. Toàn thể viên chức, sinh viên chung sức, chung lòng, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu, vững bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, xây dựng Nhà trường thành một tập thể vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cộng nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.