***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Kỷ niệm 134 năm Ngày Quốc tế lao động (01/5/1886 - 01/5/2020)

Thứ tư - 29/04/2020 22:06
Ngày Quốc tế Lao động (1/5) đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới. Là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
          Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Mỹ, Pháp, Đức … phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bốc lột và bần cùng hóa công nhân lao động dẫn tới mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn đòi tăng lương giảm giờ làm. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.
         Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào Châu Âu, đã mở rộng sản xuất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14-18 giờ, phụ nữ lao động quần quật không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng một nửa của nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em cũng phải làm việc 12 giờ/ngày.
          Ngày 01/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn Lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động toàn thành phố làm cho chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Đến ngày 03/5/1886, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức bãi công, mít tinh, biểu tình nhưng những người tham gia bãi công đã bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố.
Công nhân tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ) đấu tranh ngày 01/5/1886.
         Vụ tàn sát đẫm máu ngày 01/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ba Nha, Hà Lan… tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
          Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 01/5 làm Ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
         Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 01/5/1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm trên quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Ca-na-đa, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Ngày Quốc tế Lao động (1/5) đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
          Hưởng ứng và tham gia vào phong trào công nhân quốc tế ngay từ khi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 1/5, biểu hiện sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế. Ngày 1/5 gắn liền cả một quá trình đấu tranh cách mạng ở trong nước cũng như ở ngoài nước.
         Trong quá trình đấu tranh giành độc lập phong trào công nhân Việt Nam liên tục nổ ra những phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động như phong trào của công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng ngày 01/5/1925; phong trào của công nhân Nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) tháng 8 năm 1925; Khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 03 tháng 02 năm 1930 đã lãnh đạo phong trào đấu tranh ngày 01/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931; ngày Quốc tế Lao động 01 tháng 5 năm 1938, tại trường Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô);...
Công nhân Việt Nam đấu tranh ngày Quốc tế Lao động 01 tháng 5 tại Hà Nội năm 1938
          Để cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ngay sau khi dành được độc lập, ngày 18/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5).Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1/5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
          Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp to lớn tổng sản phẩm xã hội và ngân sách nhà nước. Công nhân lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, hình thành đội ngũ công nhân trí thức.
          Năm 2020, kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5) diễn ra vào thời điểm Đại hội Đảng các cấp diễn ra tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cùng với tinh thần chống dịch Covid – 19 như chống giặc theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trường Đại học Sao Đỏ ra sức lỗ lực tham gia vào công tác chống dịch bằng các hành động cụ thể, thiết thực nhất. Bên cạnh đó thày và trò nhà trường vẫn duy trì nhiệm vụ dạy và học theo hình thức học online để đảm báo tiến độ, thời gian và trang bị kiến thức cho các em. Hướng đến dịp lễ kỷ niệm 45 năm giải phòng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế lao động 1/5 thày và trò Nhà trường cùng ôn lại truyền thống, những cống hiến, đóng góp to lớn của các thế hệ giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, là dịp để giảng viên, viên chức lao động và sinh viên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại cùng các thế hệ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam chín thập kỷ qua.
Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, kỷ niệm 134 năm ngày Quốc tế Lao động, thày và trò Nhà trường nguyện đoàn kết góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh, góp phần đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay5,047
  • Tháng hiện tại104,975
  • Tổng lượt truy cập8,629,318
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây