***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Nhìn lại lịch sử ngày Quốc tế lao động 1/5 - nhân dịp kỷ niêm 133 năm (1/5/1886 – 1/5/2019)

Thứ tư - 24/04/2019 15:46
Quốc tế Lao động 1/5 là ngày hàng triệu người trên thế giới tổ chức kỷ niệm ngày của những người lao động. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu hết được những ý nghĩa và giá trị lịch sử cũng như những đóng góp của bao thế hệ người lao động cho ngày lễ trọng đại này.
          Ngày Quốc tế Lao động 1/5 là một sự kiện có ý nghĩa không chỉ ở Việt Nam mà ở trên toàn thế giới bởi nó khẳng định, bảo vệ và tôn vinh các lợi ích chính đáng của người lao động, cổ vũ họ đoàn kết, sát cánh bên nhau đấu tranh cho sự công bằng, chính nghĩa. Đó cũng chính là lý do và ý nghĩa của việc ra đời Ngày Quốc tế Lao động.
          Ngày Quốc tế Lao động có nguồn gốc từ cuộc đấu tranh của những người công nhân Hoa Kỳ, ngày 1/5/1886. Những người công nhân bãi công, biểu tình đòi giới chủ thực hiện ngày làm 8 giờ. Cuộc đấu tranh bắt đầu từ Chicago đã nhanh chóng lan sang Washington, New York, Boston…
          Ngày 1/5/1886, công nhân toàn thành phố Chicago tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình trên đường phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”, cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Cùng ngày đó, các Trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra trên 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Kết quả của cuộc đấu tranh đó có khoảng 12,5 vạn công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân. Tuy vây, ở nhiều nơi cảnh sát đã đàn áp các cuộc biểu tình, đặc biệt ở thành phố Chicago cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình. Lịch sử ngày 1/5 là lịch sử đẫm máu và vô cùng oanh liệt của giai cấp công nhân thế giới, đã nêu cao tấm gương sáng chói, bất khuất kiên cường, đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Hưởng ứng phong trào đấu tranh của công nhân Hoa Kỳ công nhân nhiều nước đã hưởng ứng phong tào của công nhân Hoa Kỳ. Ba năm sau đó, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cộng sản II, họp tại Paris Pháp đã quyết định lấy ngày 1/5 hàng năm làm ngày biểu dương lực lượng của  giai cấp công nhân, ngày đoàn kết quốc tế của những người lao động và trở thành ngày Quốc tế Lao động 1/5.
          Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (3/2/1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập - tự do - dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 phần nhiều phải tổ chức bí mật bằng hình thức treo cờ, rải truyền đơn. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và Mặt trận dân chủ Đông Dương, ngày Quốc tế Lao động lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, ngày 1/5/1938, một cuộc biểu tình lớn gồm hàng chục ngàn người đã diễn ra ở khu Đấu xảo Hà Nội với sự tham gia của hàng vạn người. Đây là cuộc mit tinh lớn đầu tiên, một cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động do Đảng lãnh đạo. Nó đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo của Đảng ta.
          Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Cứ đến ngày này hàng năm, hàng triệu người lao động Việt Nam lại tổ chức kỷ niệm để ôn lại phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân lao động, tổ chức biểu dương lực lượng dương cao ngọn cờ đấu tranh tiếp tục đòi quyền lao động, học tập và nghỉ ngơi cho người lao động. Đồng thời, qua các hoạt động kỷ niệm của mình giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam tiếp tục thể hiện tình đoàn kết hữu nghị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, cùng đấu tranh cho thắng lợi của hòa bình, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội./.

Tác giả bài viết: Trần Thị Hồng Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay267
  • Tháng hiện tại99,512
  • Tổng lượt truy cập8,467,792
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây