Sách có vai trò vô cùng to lớn đối với con người và đọc sách là nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy vậy, hiện nay văn hóa đọc của sinh viên có nhiều thay đổi:
Xã hội phát triển thì hầu hết các trường đại học đã tạo môi trường đọc khá thuận lợi cho sinh viên với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, tài liệu, sách báo đủ để đáp ứng nhu cầu đọc và nghiên cứu của sinh viên. Nhận thức của sinh viên về vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường được quan tâm, góp phần tạo thói quen mua sách, đọc sách và từng bước hình thành văn hóa đọc trong nhà trường.
Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động trong những năm gần đây đó là xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của sinh viên. Theo Bộ văn hóa thể thao và du lịch tỷ lệ sách bình quân/ đầu người tại các thư viện công cộng là 0,38 cuốn. Số lượng sinh viên sử dụng thời gian đọc sách mỗi ngày từ 30 phút trở lên là 86,32%, 1 giờ trở lên là 71,42%, 3 giờ trở lên là 12,15%.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông, văn hóa đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn. Văn hóa đọc trong trường đại học bị suy giảm và có những thay đổi. Tài liệu, sách, báo, sinh viên chỉ đọc khi giảng viên yêu cầu. Chính vì vậy, sinh viên trở nên thụ động trong việc đọc và nghiên cứu tài liệu, sách, báo để tìm trong đó những kiến thức phục vụ cho việc tự học và nghiên cứu khoa học. Có thể nói sự thụ động trong văn hóa đọc đã và đang làm nghèo tri thức, tâm hồn và văn hóa của sinh viên.
Bên cạnh đó, có thể nói mặc dầu có sự quan tâm đầu tư của nhà nước trong những năm gần đây, hệ thống thư viện của các trường đại học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực thông tin vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu của sinh viên hay chưa xây dựng được chiến lược phát triển văn hoá đọc hoặc công tác tuyên truyền, hướng dẫn và phát động phong trào đọc sách trong sinh viên chưa thường xuyên và nhiều trường chưa xây dựng được hệ thống thư viện số để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên đọc tài liệu.
Qua phân tích trên, chúng ta đã có được một cái nhìn tổng quát về thực trạng của văn hóa đọc trong các trường đại học xét từ hai góc độ, người đọc và mức độ đáp ứng nhu cầu đọc tại các thư viện.
Văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới. Tuy nhiên, việc đọc sách như thế nào để đạt kết quả tốt nhất, tiếp thu được nội dung cốt lõi của cuốn sách thì không phải ai cũng biết. Từ đó, có thể đề xuất, hướng dẫn sinh viên cách đọc để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường đại học giai đoạn hiện nay. Để hình thành phương pháp đọc sách, bước đầu các bạn nên áp dụng quy trình sau đây:
Thứ nhất: Xác định rõ mục đích đọc sách là việc làm quan trọng trước tiên đối với mỗi người chúng ta. Xác định mục đích đọc sách là trả lời câu hỏi: "Đọc để làm gì?". Từ đó mới trả lời được câu hỏi: "Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?".
Thứ hai: Tìm hiểu Tên cuốn sách; Tên tác giả; Tên nhà xuất bản; Năm xuất bản; Lần xuất bản. Những thông tin này sẽ giúp tìm được quyển sách mình cần.
Thứ ba: Tìm hiểu Mục lục cuốn sách phản ánh dàn ý chung và đơn giản của nội dung, đôi khi còn phản ánh cả dàn ý logic của nó. Vì mục lục giải đáp được câu hỏi: "Cuốn sách có những nội dung gì, theo trật tự nào?".
Thứ tư: Xem lời giới thiệu, vì đọc lời giới thiệu hay lời tựa để biết cuốn sách đề cập đến vấn đề gì, đối tượng nào sử dụng cuốn sách có ích hơn cả và phương pháp đọc có hiệu quả.
Thứ năm: Xem lời kết luận và tóm tắt của cuốn sách để thấy rõ nội dung cô đọng nhất, những kết luận chính và sự khẳng định của tác giả đối với những vấn đề đã trình bày. Đồng thời, qua lời kết luận và tóm tắt, bạn còn thấy vấn đề chưa được giải quyết đầy đủ, phương hướng phát triển tiếp tục của chúng.
Thứ sáu: Nên đọc từng đoạn vì
sau khi đã có được thông tin về nội dung và mục đích cuốn sách, bạn sẽ trực tiếp tìm hiểu vào nội dung bằng cách đọc qua một số đoạn, phát hiện những đoạn lí thú, có giá trị. Nhờ đọc qua một vài đoạn như vậy, những nhận định về nội dung cuốn sách sẽ dần được chính xác hoá, tạo điều kiện cho bước đọc sau.
Thứ bảy: Suy ngẫm khi đọc vì để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách.
Khẳng định vai trò của sách và văn hóa đọc, hưởng ứng ngày đọc sách 21/4/2016 sinh viên trường Đại học Sao Đỏ rất tích cực lên thư viện và tìm hiểu thêm các sách báo nhằm mở rộng, nâng cao hiểu biết của mình. Đồng thời qua việc đọc sinh viên Sao Đỏ khẳng định luôn tích cực và xây dựng văn hóa đọc thành truyền thống và bản sắc riêng như M.Gorki đã từng nói “Hãy yêu quý sách vì đó là nguồn gốc của mọi tri thức”.
Sinh viên trường Đại học Sao Đỏ đọc sách tại thư viện
Như vậy, Đọc là một dạng của lao động trí óc, món ăn tinh thần rất cần thiết và hữu ích. Nó dẫn ta tới kho tàng tri thức của nhân loại, mà từ đó, mỗi người không chỉ tiếp nhận những ý tưởng và kinh nghiệm quý báu đã được tích lũy, mà còn có thể tìm thấy nhiều nguồn vui, khả năng nhìn nhận và cảm thụ cái đẹp. Hoạt động tư duy và đón nhận khoái cảm thẩm mỹ là hai mặt hợp thành một chỉnh thể thống nhất của việc đọc. Trong những năm qua và thời gian tới xây dựng văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa của sinh viên trường Đại học Sao Đỏ trong việc nâng cao hiểu biết, góp phần phát triển bền vững nguồn nhân lực.