Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng. Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, nước ta đã xúc tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương). Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên nhằm chọn ngày
kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Ngày kỷ niệm đã thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của những thế hệ sau đối với những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng. Tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc ta và phát huy tinh thần "gia đình cách mạng gương mẫu" góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.
Tiếp tục phát huy giá trị nhân văn đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường Đại học Sao Đỏ đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm tri ân, tưởng nhớ đến những người đã đóng góp công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: các hoạt động ủng hộ quỹ tri ân những người có công, hy sinh vì đất nước ngày thương binh liệt sĩ; tham gia lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ phường Sao Đỏ và Đài tưởng niệm.
TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Bí thư Đảng Ủy, Phó hiệu trưởng và đại diện Công đoàn, Đoàn thanh niên Nhà trường dâng hương, tại nghĩa trang liệt sỹ phường Sao Đỏ
Cùng với các hoạt động đó, từ năm 2016 trường Đại học Sao Đỏ đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thu. Mẹ sinh năm 1923 là Vợ liệt sỹ Hoàng Văn Trực hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là mẹ của liệt sỹ Hoàng Ngọc Tưởng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng vì có nhiều cống hiến hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ tổ quốc và giải phóng dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, Mẹ là nguồn động viên tích cực và là hậu phương vững chắc cho chồng, các con tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình, mẹ là người phụ nữ tần tảo, đảm đang, chăm lo cho các con ăn học và trưởng thành. Hiện nay, mẹ đang sống cùng con trai thứ hai tại khu dân cư Thái Học I, phường Sao Đỏ, thành phố Chí Linh.
Trường đã quyết định nhận phụng dưỡng Mẹ suốt đời, đồng thời các tổ chức đoàn thể trong nhà trường cũng tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm chăm sóc, phụng dưỡng để Mẹ có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc. Ngoài mức phụng dưỡng hàng tháng, định kỳ trong năm vào các dịp lễ, tết, ngày thương binh - liệt sỹ 27/7, Nhà trường tổ chức đến thăm, chăm sóc, tặng quà cho Mẹ.
TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên – Phó Bí thư Đảng Ủy, Phó Hiệu trưởng cùng đại diện BCH Công đoàn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nhà trường thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thu
Thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng của Nhà trường góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức trách nhiệm cho sinh viên Nhà trường trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.