Nội dung giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: giáo dục phẩm chất trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; lòng yêu thương con người; tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
Thứ nhất, giáo dục phẩm chất trung với nước, hiếu với dân: Hồ Chí Minh đã khẳng định: “cốt nhất của nhà trường là dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ ý chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”. Phải làm cho họ biết kính trọng sự cần lao, tập cho họ quen lao khổ. Dạy họ chí khí tự thực kỷ lực (tự làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Người dạy thanh niên phải có 6 cái yêu: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu xã hội chủ nghĩa, yêu lao động, yêu khoa học và yêu kỷ luật. Trong đó, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, giáo dục phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: Cần theo Hồ Chí Minh là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, làm việc có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao, lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại. Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của nước, của bản thân mình, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to. Liêm tức là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân, không xâm hại một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân. Phải trong sạch, không tham lam. Chính nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn. Về Chí công vô tư, Người nói: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Theo Hồ Chí Minh, các phẩm chất đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cần mà không kiệm thì chẳng khác nào gió vào nhà trống, làm chừng nào xào chừng ấy. Còn kiệm mà không cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng, không có tăng thêm, không có phát triển. Cần, kiệm, liêm, chính sẽ dẫn đến chí công vô tư, ngược lại đã chí công vô tư, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng, thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
Thứ ba, giáo dục lòng yêu thương con người: Theo Hồ Chí Minh, lòng yêu thương con người là một tình cảm rộng lớn, trước hết giành cho những người cùng khổ, bị áp bức, bóc lột, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo…thể hiện trong các mối quan hệ: bạn bè, đồng chí, anh em, với mọi ngươi bình thường trong quan hệ hàng ngày. Trong các mối quan hệ đó, Người đòi hỏi mỗi người phải luôn nghiêm khắc, chặt chẽ với mình và rộng rãi, độ lượng với người khác. Người dạy thanh niên phải luôn yêu thương con người, trước hết là tôn trọng nhân phẩm của con người, biết cách nâng con người lên, không hạ thấp, không vùi dập con người.
Thứ tư, giáo dục tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung: Đối với thế hệ trẻ Bác yêu cầu phải có ý thức xây dựng tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước, với những người tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, chủ trương, giải pháp về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng; tích cực, chủ động bồi dưỡng tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.
Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, đây là các chuẩn mực đạo đức cách mạng chung nhất của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam. Bất cứ người nào cũng có thể tìm thấy những vấn đề đạo đức mà Hồ Chí Minh đặt ra rất gần gũi với mình, những phẩm chất cần tu dưỡng, những định hướng để vươn tới chân, thiện, mỹ của cuộc sống con người. Đó là những vấn đề đạo đức Người rút ra từ cuộc đời thực của con người và xã hội Việt Nam, khái quát thành tư tưởng, lý luận đạo đức, từ đó trở lại cải tạo con người, làm biến đổi hiện thực xã hội.
Nội dung giáo dục lối sống văn hóa cho thanh niên: Theo Bác giáo dục cho thanh niên lối sống văn hóa là giáo dục cho họ sống có nghĩa, có tình, luôn trung thực, trách nhiệm với công việc được giao, ít ham muốn về vật chất, chức quyền, danh lợi, phải luôn khoan dung, độ lượng với mọi người. Đồng thời, phải giáo dục mỗi một thanh niên khi ở nhà thì siêng năng giúp đỡ cha mẹ, anh em, ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy. Lúc đến trường thì phải siêng học, giữ kỷ luật, biết tiết kiệm giấy bút, yêu bạn bè, kính trọng thầy cô. Lúc ra đường biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào…
Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng phát huy nhân tố con người. Nhận thức rõ vai trò của thanh niên, sinh viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong những năm qua Trường Đại học Sao Đỏ đã không ngừng chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục về đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho sinh viên để họ trở thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Với sứ mạng - 2025: Đào tạo gắn với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tế, Nhà trường gắn với doanh nghiệp. Sinh viên ra trường có sức khỏe; năng lực và kỹ năng toàn diện; tự tin, sáng tạo; có việc làm thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến. Thực hiện thành công sứ mạng của Nhà trường, đồng thời “hướng tới người học, vì người học” đào tạo sinh viên có trình độ chuyên môn, đồng thời giáo dục kỹ năng mềm cần thiết để hình thành đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho sinh viên. Hơn 50 năm xây dựng và phát triển Nhà trường đã đào tạo trên 100.000 công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên, cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ có trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm, có đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa …phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Trường Đại học Sao Đỏ là cơ sở đào tạo tin cậy, được doanh nghiệp, xã hội đánh giá cao về chất lượng.