Người không nói cao xa, dài dòng, mà chỉ dùng những từ ngữ giản dị, ngắn gọn nhưng có tác dụng sâu sắc. Dưới đây là 3 mẩu chuyện rất hay về bài học lấy dân làm gốc của Người.
Câu chuyện thứ nhất: “Còn dân thì còn nước”
Nước ta vừa giành được độc lập thì quân Tưởng ồ ạt kéo vào miền Bắc, kéo theo bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách, ráo riết chống phá cách mạng để lập chính quyền tay sai phục vụ cho chúng. Lúc này chủ trương của ta là tỏ thái độ hợp tác với họ, vì họ mang danh nghĩa Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. Do đó, không được mắc mưu khiêu khích của chúng. Nhằm quán triệt các tỉnh có quân đội Tưởng đóng, không kìm được nóng nảy để xảy ra xung đột, Bác đã triệu tập chủ tịch các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Yên, Phúc Yên (Vĩnh Phúc ngày nay), Sơn Tây, Bắc Giang, Lạng Sơn,… về Hà Nội để nhắc nhở. Bác nói: “Chính phủ cho gọi các chú về có một số việc. Hình như quân Tưởng đã gây cho các chú nhiều chuyện rắc rối lắm phải không?”.
Được lời như cởi tấm lòng, các đại biểu thi nhau kể tội bọn Tàu Tưởng. Lát sau, Bác giơ tay ra hiệu là Bác hiểu hết cả rồi và nhẹ nhàng giảng giải: “Bác nói để các chú hiểu: Họ nhân danh Đồng Minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, mình không tỏ thái độ hợp tác họ sẽ vịn cớ ấy để gây khó dễ cho mình”. Các đại biểu nêu ý kiến:
- Thưa Bác! Mình muốn hợp tác nhưng họ lại không muốn hợp tác, mà chỉ muốn cướp đất của ta thì làm sao?
Bác giải thích vắn tắt: Mình hợp tác vì chúng có 500 triệu dân mà ta chỉ có 20 triệu dân, họ có 4 triệu quân mà quân đội của ta thì mới xây dựng. Hợp tác là như thế, các chú có hiểu không?
Mọi người vẫn im lặng. Bác nói tiếp: “Các chú nói mất đất là bao nhiêu? Thế các chú có thấy dân ta hợp tác với họ, tin tưởng vào họ không? Nếu dân ta không đứng về phía chúng, không tin tưởng vào chúng thì ta không mất gì cả! Như thế là mất đất chứ không phải mất nước. Các chú phải nắm vững đường lối của Đảng và chính phủ, phải tuân theo chỉ thị của Trung ương. Chú nào làm sai phải chịu kỉ luật’’.
Sau cùng, Bác hỏi “Có chú nào còn ý kiến gì nữa không?’’
Tất cả đều nhất trí, không ai có ý kiến gì nữa, vì qua cách giải thích ngắn gọn và rất sâu sắc của Bác, mọi người đều thông suốt, đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác và càng thấu hiểu hơn vai trò quan trọng của nhân dân.
Câu chuyện thứ hai: Quay máy ra mà chụp nhân dân
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 lịch sử. Những dòng người đổ về quảng trường Ba Đình như nước chảy. Giải phóng quân từ chiến khu về, tự vệ mới thành lập, các đoàn thể thanh niên và phụ nữ, công nhân, nông dân, thiếu nhi, các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội, tất cả đứng thành hàng ngũ chỉnh tề với cả một rừng cờ hoa, biểu ngữ. Niềm vui tràn ngập lòng người khi nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân và cả thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là những hình ảnh đẹp nhất của ngày lễ Quốc Khánh.
Buổi lễ kết thúc, Bác Hồ ra về trên chiếc xe Citroen. Một phóng viên chạy tới ghé máy ảnh vào cửa kính định chụp Bác. Bác xua tay không cho chụp và bảo: “Chú hãy quay máy ra ngoài kia mà chụp nhân dân!.’’
Câu chuyện thứ ba: Cây gậy chữ nhân
Kháng chiên toàn quốc bùng nổ. Nhiều nhân sĩ, trí thức vì tin tưởng vào Bác Hồ mà đi theo kháng chiến, chứ chưa thấy hết vai trò và sức mạng của nhân dân. Có người biếu Bác một cây gậy quý làm bằng xương rắn ghép lại, mỗi đốt đều có hình chữ “nhân’’. Trong một buổi họp liên tịch giữa Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội Bác mang cây gậy quý tặng cho cụ Bùi Bằng Đoàn (Trưởng Ban Thường trực Quốc Hội) và nói một câu vừa giản dị vừa ý nghĩa: “khi trong tay có cây gây này, cụ sẽ luôn luôn nghĩ đến nhân dân’’.
Nhận cây gậy quý Bác trao, cụ Bùi Bằng Đoàn cũng như các vị nhân sĩ, trí thức có mặt hôm đó đều cảm kích trước tình cảm và lời nhắc nhở của Bác. Cụ Bùi Bằng Đoàn đã nói rằng, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng có cây gậy này trong tay, cụ sẽ vựơt qua mọi gian nguy, khó nhọc, nguyện một lòng một dạ đi với nhân dân cho đến thắng lợi cuối cùng.
Qua các câu chuyện của Bác cho ta thấy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm dân là gốc là quan điểm khoa học, toàn diện. Đó là sự kế thừa những tinh hoa dân tộc, là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn cuộc sống, Hồ Chí Minh lưu ý: “Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa và hạng kém,… Người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do hạng hăng hái đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém lên. Phải học hỏi dân chúng, nhưng “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”; phải “tìm ra mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau, xem cái nào đúng, cái nào sai” để vận dụng.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Nhân dân đã và sẽ mãi mãi là người làm nên lịch sử. Thực hiện tốt Di huấn của Bác về lấy dân làm gốc, chắc chắn bộ máy Nhà nước ta sẽ “chạy” đều, hiệu quả quản lý điều hành chắc chắn có hiệu lực cao. Đó là việc làm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn./.