***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Thứ năm - 12/04/2018 04:24
Mô hình chủ nghĩa xã hội là phạm trù để chỉ quan niệm về chế độ kinh tế - chính trị - xã hội được xây dựng theo nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Nó bao gồm những đặc trưng về kinh tế, chính trị xã hội, văn hóa tư tưởng,... theo đó, bản chất của chủ nghĩa xã hội dần được hoàn chỉnh và bộc lộ các đặc điểm ưu việt. Việc xác định đúng đắn mô hình chủ nghĩa xã hội là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bởi lẽ, đó là định hướng cơ bản nhất để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
          1. Thời kỳ 1975 – 1985
          Sau thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mô hình chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng trong thời kỳ này là mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô. Theo đó, chúng ta đã đối lập giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản theo tinh thần phủ định hoàn toàn chủ nghĩa tư bản. Trong lĩnh vực kinh tế, do coi kinh tế tập trung, bao cấp là đặc trưng của kinh tế xã hội chủ nghĩa, nên đã coi nhẹ hoặc phủ nhận sản xuất hàng hóa, quy luật giá trị, có thành kiến với kinh tế thị trường (đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản). Đặc biệt, trong nhận thức về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất đã có nhiều vi phạm quy luật khách quan như cường điệu vai trò của chế độ công hữu, đối lập sở hữu tư nhân với chủ nghĩa xã hội, nhấn mạnh một chiều nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất mà coi nhẹ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất. Trong lĩnh vực chính trị, do đồng nhất Nhà nước pháp quyền với Nhà nước tư sản nên đã không thừa nhận tính chất pháp quyền của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, không nhận thức được đầy đủ yêu cầu phát huy dân chủ trong xây dựng xã hội mới,… Mặc dù công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta giai đoạn 1975 - 1985 đã đạt được những thành tựu to lớn: khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới và cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc; làm tròn nghĩa vụ quốc tế, nhưng do nhận thức giáo điều, giản đơn và ấu trĩ về chủ nghĩa xã hội nên đất nước đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.
          2. Thời kỳ 1986 đến nay
          Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó quan trọng nhất là đổi mới tư duy lý luận, đổi mới nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội mà chúng ta xây dựng: thay thế mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu Xô Viết bằng mô hình cụ thể, phù hợp với điều kiện cách mạng nước ta.
 Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 (Nguồn Tạo chí Cộng sản)
          Đại hội VI đã đưa ra những nhận thức mới về cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, thừa nhận sự tồn tại khách quan của sản xuất hàng hóa và thị trường, từ bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp và khẳng định cần chuyển sang hạch toán kinh doanh. Đại hội VI đã chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần với những hình thức kinh doanh phù hợp, coi trọng lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, chăm lo toàn diện và phát huy nhân tố con người. Có thể nói, Đại hội VI đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội.
1044481
Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII năm 1991 (Nguồn Tạo chí Cộng sản)
          Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Đảng ta đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (gọi tắt là Cương lĩnh năm 1991), trong đó đã xác định mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới.Những đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà Cương lĩnh năm 1991 khái quát vừa thể hiện tính phổ biến của học thuyết Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội, vừa thể hiện tính đặc thù của dân tộc, có tính đến những đặc điểm của thời đại.
          Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996), IX (năm 2001), X (năm 2006), Đảng ta tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhận thức về mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt tại Đại hội X, Đảng ta xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
          Những đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội được nêu trong Văn kiện Đại hội X có một số điểm mới so với Cương lĩnh năm 1991. Cụ thể: Đại hội X đã bổ sung thêm 2 đặc trưng mới: thứ nhất và thứ sáu:
          Đặc trưng thứ nhất, "… là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh". Trong Cương lĩnh năm 1991 chưa nói đến đặc trưng này. (Đại hội VIII đã xác định mục tiêu của cách mạng nước ta là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". Đến Đại hội IX đã bổ sung thêm từ "dân chủ", thành "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đại hội X đã xác định đó còn là đặc trưng phổ quát của mô hình chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng). Đặc trưng này làm cho chủ nghĩa xã hội gần với mọi người, mọi trình độ nhận thức và thậm chí nó có khả năng thống nhất ý kiến của những người có thể có chính kiến khác. Đây là điểm hội tụ để đoàn kết các dân tộc.
          Đặc trưng thứ sáu, "có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản". Cương lĩnh năm 1991 chưa nói đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến từ rất sớm, nhưng về văn bản chính thức thì đến tháng 1/1994 trong Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII mới chính thức đưa ra khái niệm về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, vấn đề này được đặt ra như một nhiệm vụ, đến Đại hội VIII, IX thì trở thành một quan điểm trong xây dựng Nhà nước ở nước ta. Tại Đại hội X, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã trở thành một đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đây là sự phát triển lý luận rất quan trọng của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội.
          Ngoài ra, những đặc trưng khác trong Văn kiện Đại hội so với Cương lĩnh năm 1991 cũng có sự thay đổi về cách diễn đạt:
          Đặc trưng thứ hai, "Do nhân dân làm chủ" (Cương lĩnh năm 1991 khẳng định: "Do nhân dân lao động làm chủ").
          Đặc trưng thứ ba, "Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất". Như vậy, Đại hội X chỉ khẳng định có "quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất", còn Cương lĩnh năm 1991 lại khẳng định quan hệ sản xuất dựa trên "chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu".
          Đặc trưng thứ năm, "con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện". So với Cương lĩnh năm 1991, Đại hội X đã bỏ từ "bóc lột". Ngoài ra, Đại hội X còn sửa chữa cụm từ "có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân" thành "phát triển toàn diện".
          Đặc trưng thứ sáu, "Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ", đặc trưng này về cơ bản như Cương lĩnh năm 1991, nhưng có bổ sung thêm cụm từ "tương trợ".
          Đến ĐH XI trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Do nhân dân làm chủ; Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; Có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới".
Có thể thấy, cách diễn đạt những đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội vừa kế thừa Cương lĩnh năm 1991, vừa dựa trên những nhận thức mới ở các Văn kiện Đại hội VIII, IX và đặc biệt là Văn kiện Đại hội X, đồng thời, có bổ sung, phát triển hơn. Cụ thể là:
          Ở đặc trưng thứ nhất, "Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". So với Đại hội X từ "dân chủ" được đặt trước từ "công bằng". Theo tôi, diễn đạt như vậy là chặt chẽ vì dân chủ là điều kiện, là tiền đề để tạo ra sự công bằng và qua đó, cũng nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị dân chủ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
          Ở đặc trưng thứ hai, "do nhân dân làm chủ". Sau Đại hội X, có ý kiến cho rằng bỏ mất chữ "lao động" là mất lập trường. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thực chất nhân dân ở đây là nhân dân lao động. Nói nhân dân là vì chúng ta đã khẳng định xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hơn nữa, nội hàm của khái niệm nhân dân rộng hơn khái niệm nhân dân lao động, do đó, nói nhân dân ở đây sẽ có lợi hơn trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, theo tôi, nhận thức và cách diễn đạt như Văn kiện Đại hội XI là chặt chẽ, phù hợp với cách mạng nước ta giai đoạn hiện nay.
           Ở đặc trưng thứ ba, "Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu". Đặc trưng này lại quay về với Cương lĩnh năm 1991. Sau Đại hội X, có ý kiến cho rằng: Quan hệ sản xuất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội dựa trên chế độ công hữu hay không là do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quy định, chứ không phải do ý muốn chủ quan áp đặt, nên diễn đạt như Văn kiện Đại hội X là chính xác". Điều này không đúng, bởi chúng ta không bàn về xã hội ở thời kỳ quá độ mà bàn về xã hội xã hội chủ nghĩa (tức là sau khi đã kết thúc thời kỳ quá độ). Cũng có ý kiến ngộ nhận cho rằng, Đảng ta đã từ bỏ chế độ công hữu, rằng công hữu hay tư hữu không còn quan trọng nữa miễn là quan hệ sản xuất tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển. Theo tôi, chủ nghĩa xã hội nhất định phải là một chế độ xã hội được xây dựng trên nền tảng chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu (còn chế độ công hữu đó được thực hiện dưới những hình thức nào? Xác lập chế độ công hữu phải có điều kiện gì? Bằng con đường nào?... thì cần được làm rõ thêm). Do đó, ở đặc trưng này diễn đạt như Cương lĩnh năm 1991 hay cương lĩnh 2011 là chính xác, chặt chẽ, không gây ngộ nhận về chủ nghĩa xã hội.
          Ở đặc trưng thứ năm, "con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện". So với Đại hội X, ĐH XI đã bỏ cụm từ "được giải phóng khỏi áp bức, bất công". Theo tôi, diễn đạt như vậy là cô đọng, chặt chẽ thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội.
          Ở đặc trưng thứ sáu, "Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển". So với Đại hội X, Đại hội XI đã bỏ từ "tương trợ" và thêm từ "tôn trọng". Việc bỏ từ "tương trợ" để tránh sự lặp lại dài dòng (sự tương trợ nằm trong sự giúp đỡ lẫn nhau). Việc thêm từ "tôn trọng" ở đây theo chúng tôi là cần thiết và phù hợp (những chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước sau này cần chú ý đến điều này).
          Ở đặc trưng thứ bảy, "có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo". So với Đại hội X, ĐH XI đã sửa chữa cụm từ "dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản" thành "do Đảng Cộng sản lãnh đạo".
          Đại hội XII, về cơ bản các đặc trưng chủ nghĩa xã hội ở nước ta không có sự sửa đổi, bổ sung lớn.
          Như vậy, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi, phát triển trong hơn 30 năm đổi mới. Những nhận thức, lý luận của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội ngày càng đầy đủ, phù hợp với quy luật khách quan và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Từ những nhận thức đúng đắn, đầy đủ đó góp phần làm cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam càng ngày càng rõ nét.
 

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thị Hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay3,726
  • Tháng hiện tại99,167
  • Tổng lượt truy cập8,467,447
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây