***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Bộ môn Giáo dục chính trị tổ chức Seminar tháng 4/2018 với chủ đề: “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay”

Thứ sáu - 27/04/2018 03:56
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị của ta đang đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì việc nghiên cứu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay là rất cần thiết. Vì vậy, ngày 27/4/2018 Bộ môn giáo dục chính trị đã tổ chức Semimar định kỳ tháng 4 năm 2018 với nội dung “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay”. Buổi Seminar được tổ chức tại phòng hội thảo khoa Điện. Tham dự buổi seminar có TS. Phạm Thị Hồng Hoa – Trưởng khoa và 12 thầy, cô là giảng viên trong Bộ môn tham dự.
          Buổi Seminar tháng 4 do NCS. Phạm Xuân Đức – Phó trưởng khoa chủ trì. Mở đầu buổi Seminar thầy Phạm Xuân Đức đã phát biểu nêu rõ ý nghĩa và yêu cầu cần đạt được.
[27 04 2018 14 51 19]4e7696a2 a2bf 4a59 bdf9 b6e8602e82ca
NCS. Phạm Xuân Đức – Phó trưởng khoa GDCT&TC phát biểu trong buổi Seminar
          Trong buổi Seminar định kỳ tháng 4/2018 các giảng viên đươc phân công chuẩn bị là NCS. Nguyễn Thị Hải Hà và ThS. Đỗ Thị Thùy đã làm rõ tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và sự vận dụng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay, cụ thể: Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền. Thứ hai, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Thứ ba, những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đảng ta vận dụng từ tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể:
          Thứ nhất, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền
          Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề Nhà nước và pháp luật giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền có thể khái quát trên các quan điểm sau:
          - Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân:
          - Tư tưởng Hồ Chí Minh về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước:
          - Tư tưởng Hồ Chí Minh về một Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
          Thứ hai, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN
          Kế thừa tư tưởng của Người, sau cách mạng tháng 8/1945, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Đảng ta khẳng định nhiệm vụ lịch sử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là “bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiến quốc gia trên nền tảng dân chủ”. Quan điểm của Đảng về Nhà nước chuyên chính vô sản đã được thể chế hoá trong Điều 2, Hiến pháp 1980 “Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là nhà nước chuyên chính vô sản. Sứ mệnh lịch sử của Nhà nước đó là thực hiện quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, động viên và tổ chức nhân dân tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, xoá bỏ chế độ người bóc lột người, đập tan mọi sự chống đối của bọn phản cách mạng trong nước, mọi hành động xâm lược và phá hoại của kẻ thù bên ngoài, xây dựng thành công XHCN, tiến tới chủ nghĩa cộng sản; góp phần củng cố hoà bình và đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới”.
          - Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam với đường lối đổi mới đã đặt ra những cơ sở quan trọng cho việc đổi mới tư duy, quan điểm về xây dựng nhà nước trong các điều kiện tiến hành cải cách kinh tế.
          - Đại hội lần thứ VII của Đảng xác định thực hiện dân chủ XHCN là thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
          - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá VII) nêu 5 quan điểm cơ bản cần nắm vững trong quá trình xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước cụ thể là:
          + Xây dựng nhà nước XHCN của dân, do dân và vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân;
          + Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp;
          + Quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam;
          + Tăng cường pháp chế XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức XHCN;
          + Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
          - Hội nghị Trung ương lần thứ 03 khoá VIII đã đưa ra sự đánh giá tình hình xây dựng Nhà nước trong thời gian qua và khẳng định cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá VII và nhấn mạnh ba yêu cầu:
          + Một là: tiếp tục phát huy tốt hơn và nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước, nhất là việc giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ công chức Nhà nước.
          + Hai là: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cán bộ công chức Nhà nước thật sự là công bộc, tận tụy phục vụ nhân dân.
          + Ba là: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; xây dựng và hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với đặc điểm, tính chất của cơ quan nhà nước ở từng cấp, chú trọng sự lãnh đạo của tổ chức Đảng đối với việc kiểm kê, kiểm soát trong quản lý kinh tế, tài chính.
          - Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2002) và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006) đã tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
         - Đại hội XII của Đảng (20/1- 28/1/2016) tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn phát triển mới..
          Thứ ba, những đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà Đảng ta vận dụng từ tư tưởng Hồ Chí Minh
         - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân.
          - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp.
          - Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm vị trí tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội.
          - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân, giữ vững mối liên hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa Nhà nước và xã hội.
          - Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
          - Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
          Đối với Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo chính trị, quyết định phương hướng chính trị của Nhà nước, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là tổ chức thực hiện quyền lực của nhân dân, thực sự của dân, do dân và vì dân, để thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
NCS. Nguyễn Thị Hải Hà trình bày nội dung tại buổi Seminar tháng 4/2018
         Sau phần trình bày của hai thầy, cô được phân công, đã có 8 ý kiến của thầy, cô giảng viên trong Bộ môn tham gia thảo luận, trao đổi làm rõ về tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN từ đó vận dụng nội dung vào giảng dạy học phần Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam và học phần tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt vận dụng thực tiễn xây dựng nhà nước XHCN hiện nay.
          Sau một thời gian thảo luận rất tích cực và sôi nổi buổi Seminar định kỳ tháng 4 năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Kết thúc buổi seminar NCS. Phạm Xuân Đức đã kết luận về sự cần thiết việc nghiên cứu tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay nhằm nâng cao chất lượng các học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bộ môn quản lý trong thời gian tới là rất quan trọng và nhấn mạnh:
          Thứ nhất: Bộ môn và khoa đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của các thầy cô được phân công chuẩn bị và tìm hiểu để trao đổi, đánh giá về nội dung seminar tháng 4 năm 2018.
          Thứ hai: tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền trong việc xây dựng Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay là rất cần thiết và nghiên cứu để đưa vào giảng dạy cho sinh viên gắn lý luận với thực tiễn.
          Thứ ba: Các thầy, cô đã phân tích cụ thể cả về lý luận và thực tiễn vận dụng của Đảng ta hiện nay.
          Thứ tư: Trong buổi Seminar các ý kiến đều đồng thuận quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và đưa ra những yêu cầu đặt ra đối với công tác giảng dạy nhằm giúp sinh viên hiểu và vận dụng thực tiễn việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thực tiễn.
          Thứ năm: Sau khi kết luận thống nhất một số nội dung, NCS. Phạm Xuân Đức đã nêu ra các yêu cầu trong thời gian tới khi giảng dạy học phần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đẩng Cộng sản Việt Nam thời gian tới cần nhận thức một cách toàn diện về tư tưởng của Bác và quan điểm vận dụng của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN để đưa lý luận gắn liền với thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần do Bộ môn và khoa quản lý.
          Buổi Seminar tháng 4 năm 2018 đã thành công tốt đẹp. Buổi seminar đã trở thành buổi sinh hoạt học thuật chuyên đề có ý nghĩa quan trọng giúp các thầy, cô trong Bộ môn Giáo dục chính trị có những tìm hiểu toàn diện, đầy đủ không chỉ về mặt lý luận mà còn làm rõ thực tiễn quá trình vận dụng của Đảng ta. Đồng thời buổi seminar cho thấy nhiệm vụ của các thầy, cô giúp sinh viên thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong xây dụng nhà nước pháp quyền XHCN trong thực tiễn hiện nay. Qua buổi Seminar cũng đã giúp giảng viên được trau dồi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó góp phần không nhỏ vào quá trình nâng cao chất lượng các học phần do Khoa và Bộ môn quản lý và đào tạo thế hệ cách mạng trẻ vừa “Hồng” vừa “chuyên” như Bác từng mong muốn./.
[27 04 2018 14 51 39]2126b880 9818 438c 9384 6b4c6d6d6814
Toàn cảnh buổi Seminar tháng 4/2018

Tác giả bài viết: Vũ Văn Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập64
  • Hôm nay9,240
  • Tháng hiện tại143,056
  • Tổng lượt truy cập5,946,740
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây