C.Mác sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Trier, nước Đức. Ông là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Chủ nghĩa Mác là học thuyết về sự giải phóng và phát triển: hướng đến sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi sự nô dịch, áp bức bóc lột. Học thuyết được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu nhận thức khoa học của lịch sử tư tưởng nhân loại, từ đó chỉ ra được những quy luật chi phối toàn bộ sự vận động và phát triển của thế giới vật chất nói chung và lịch sử xã hội nói riêng, chấm dứt mọi sai lầm của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong giải thích các hiện tượng xã hội và lịch sử. Chủ nghĩa Mác đã cung cấp phương pháp luận khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, góp phần thay đổi căn bản tư duy của nhân loại trong việc thay đổi, cải tạo thế giới, hướng đến việc xây dựng một thế giới của con người, cho con người, vì con người. Ở đó, sự phát triển của mỗi người là tiền đề cho sự phát triển và tự do của tất cả mọi người. Tính khoa học, cách mạng đã làm nên những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác và còn nguyên sức sống mạnh mẽ trong thời đại ngày nay. Nhân kỷ niệm 203 năm ngày sinh C.Mác (1818 – 2021), chúng ta hãy cùng tìm hiểu những giá trị tư tưởng, lý luận bền vững của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay:
Thứ nhất, trong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của C.Mác, công lao to lớn, đầu tiên là ông đã xây dựng một thế giới quan và phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Theo đó, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy luật phát triển của xã hội loài người được phát hiện, tích hợp và trình bày trong một hệ thống các quy luật: quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, chứ không phải ngược lại; kinh tế, xét đến cùng, quyết định chính trị; sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội như một quá trình lịch sử - tự nhiên. Nhờ vậy, lần đầu tiên nhân loại có một học thuyết phát triển tương đối hoàn chỉnh. C.Mác chỉ ra rằng, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội; phương thức sản xuất vật chất quyết định các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và chính quần chúng nhân dân mới là những người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Chính thực tiễn của chủ nghĩa tư bản châu Âu đương thời đã được Các Mác mổ xẻ, phân tích, giải phẫu và minh chứng sâu sắc cho các quan điểm lý luận của mình.
Thứ hai, vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác đã vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, nhìn nhận chủ nghĩa tư bản trong cả quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong hai phát kiến vĩ đại của Mác là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư được ví như “hòn đá tảng” trong toàn bộ học thuyết của Mác. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật cơ bản, phổ biến của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Mác chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với tính tư nhân tư bản chủ nghĩa của việc chiếm hữu tư liệu sản xuất. Để tồn tại và vượt qua các cuộc khủng hoảng, các cú sốc trong sự phát triển, chủ nghĩa tư bản luôn phải tự điều chỉnh để điều hòa mâu thuẫn này. Điều đó cho thấy, phát kiến vĩ đại của Mác luôn đúng, ngay cả khi chủ nghĩa tư bản hiện đại bước vào thời đại toàn cầu hóa và chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C. Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa. Nhờ có thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận khoa học, C.Mác đã phát hiện ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản và xây dựng thành công xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã chỉ cho giai cấp vô sản hiểu rõ rằng, trước hết họ phải tự mình vùng lên giải phóng khỏi ách thống trị của chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết xung quanh mình tất cả những người lao động. Đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới thì học thuyết của Mác là vũ khí lý luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột cũng như trong sự nghiệp xây dựng xã hội tương lai tươi đẹp.
Vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào điều kiện lịch sử cụ thể ở nước Nga trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, bước đầu bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, V.I.Lê-nin đã bổ sung, phát triển, tạo nên giai đoạn Lê-nin trong sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác và hình thành nên chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị - xã hội hiện thực; chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trong phong trào công nhân, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Những thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Kể từ khi ra đời đến nay, chủ nghĩa Mác đã trải qua hơn 170 năm. Thực tiễn đã có nhiều thay đổi; khoa học - kỹ thuật có những bước phát triển vượt bậc; phong trào công nhân trở nên rất đa dạng và có những thay đổi to lớn; chủ nghĩa tư bản với những thích nghi mới vẫn tồn tại, song những thách thức, khủng hoảng thuộc về bản chất nội tại của nó vẫn tiếp tục tiềm ẩn. Mặc dù các lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc, thậm chí tìm mọi cách phủ nhận, nhưng tư tưởng của Mác cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn phát triển, vẫn tràn đầy sức sống, vẫn là thế giới quan, phương pháp luận khoa học của hàng triệu người trên trái đất. Nhiều giá trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mang sức sống trường tồn vẫn tiếp tục tỏa sáng với chủ nghĩa nhân văn vì con người, với phương pháp biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết về giá trị thặng dư, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, học thuyết về chủ nghĩa xã hội v.v.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại mặc dù có tiến bộ hơn so với chính nó vào thời điểm mà C.Mác nghiên cứu nhưng vẫn có những khiếm khuyết nội tại không thể tự mình khắc phục. Bất bình đẳng xã hội vẫn tồn tại và ngày càng gay gắt ở ngay các nước tư bản giàu có; chênh lệch giàu nghèo giữa các nước phát triển và đa số các nước đang phát triển ngày càng trầm trọng. Xung đột, khủng bố, bạo lực và bất ổn xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn của nhân loại. Điều này càng chứng tỏ, lý luận của chủ nghĩa Mác về xã hội tư bản chủ nghĩa vẫn luôn đúng và lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội vẫn giữ nguyên giá trị khoa học, thực tiễn.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của lực lượng sản xuất dựa trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ đang đưa nhân loại tới những mô hình phát triển rất mới như công nghiệp 4.0 hay xã hội siêu thông minh 5.0 là phù hợp với học thuyết về sự thay thế, phát triển các hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác. Những mục tiêu mà các mô hình này đặt ra như: mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, không phân biệt về tuổi tác, sức khỏe, giới tính, địa lý, ngôn ngữ; bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững, không để một ai bị tụt lại phía sau; giải phóng và phát triển con người... cũng chính là luận điểm căn bản mà C.Mác đã tiên lượng trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” cách đây hơn 170 năm, phù hợp với bản chất nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội. Ý nghĩa thời đại của học thuyết Mác với những tiên lượng và giá trị trường tồn của nó, là luận cứ khoa học đầy sức thuyết phục, luôn thôi thúc chúng ta xây dựng khát vọng và tầm nhìn phát triển hướng tới một xã hội hiện đại, nhân văn, bao trùm và bền vững, vì con người, lấy con người làm trung tâm, do con người và giải phóng con người như một giá trị cốt lõi, phổ quát nhất của nhân loại.
Các Mác đã rời xa chúng ta gần 140 năm nhưng tư tưởng của Ông vẫn còn sống mãi với nhân loại bởi bản chất khoa học, cách mạng, nhân văn. Những di sản tư tưởng của Mác và chủ nghĩa Mác -Lê-nin vẫn hoàn toàn đúng đắn và hơn nữa, lại luôn được bổ sung, phát triển trong điều kiện, hoàn cảnh mới nhờ những người mác-xít chân chính.
Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn