***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Văn hóa đọc của tuổi trẻ hưởng ứng ngày đọc sách Việt Nam 21/4

Thứ tư - 21/04/2021 08:23
Trong đời sống của con người, sách là kho tàng tri thức, là sản phẩm văn hóa tinh thần, sách là người thầy dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn. Sách là người bạn gần gũi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mỗi con người. Vì thế, từ trước đến nay đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Từ đọc sách, sưu tầm sách đến xây dựng tủ sách, xây dựng thư viện là các bước hình thành văn hóa đọc.
         Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, thì sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Sách là món ăn tinh thần của con người.
          Xã hội ngày càng phát triển, sự xuất hiện của mạng xã hội, công nghệ thông tin làm cho con người ngày càng thay đổi. Tuy nhiên tầm quan trọng của sách vẫn không giảm mà còn đem lại nhiều giá trị cho con người. Mỗi quyển sách chứa đựng một nội dung, đề cập đến những giá trị nhân văn khác nhau và trở thành tiền đề gắn kết con người với kiến thức của nhân loại.
         Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
          Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
          Trên thế giới lễ hội sách, ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội. Theo UNESCO, trên thế giới mỗi năm có khoảng 2,5 tỷ cuốn sách được ra đời. Nhật Bản là nước có số lượng sách in ra cao nhất tính theo đầu người (20 bản/người/năm), xuất bản khoảng 240 triệu bản với 540 tỷ trang in một năm.
          Đối với Việt Nam: Từ nhiều đời nay, ông cha ta đã lưu giữ lại những kiến thức qua sách vở và để lại đời sau cho con cháu. Sách chứa đựng những thông tin, giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, chứa đựng những tình cảm vào trong những vấn đề của cuộc sống. Sách chứa đựng nguồn kiến thức khổng lồ và giúp con người giao lưu với thế giới bên ngoài, tiếp cận với nền văn minh của nhân loại, nhờ có sách mà xã hội mới có thể phát triển được.
          Tuy nhiên thực tế đối với người Việt nói chung và giới trẻ nói riêng tình trạng đọc sách vẫn còn ít: Theo số liệu thống kê của Bộ VH, TT&DL, mỗi năm, mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách. Số sách phân bổ tại các thư viện bình quân là 0,35 bản/người. Theo khảo sát của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10 % dân số. Từ số liệu trên cho thấy thực trạng đọc sách của  người Việt Nam chưa cao, chưa hình thành nhu cầu đọc và văn hóa đọc.
          Do vậy, chúng ta cần thấy được vai trò cần thiết của việc đọc sách. Đọc sách mang lại nguồn tri thức quý giá cho con người những giá trị quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt đặc biệt đối với giới trẻ hiện nay.
          Đọc sách hướng con người đến chân thiện mỹ, sách truyền tải những nội dung nhân văn, giáo dục con người về tình cảm yêu thương lẫn nhau, về chân thiện mỹ, lối sống và đạo đức con người.
          Đọc sách sẽ giúp cho sự phát triển tư duy người đọc: Mỗi người đọc sách theo suy nghĩ của bản thân sẽ nhìn nhận những nội dung trong sách theo các khía cạnh khác nhau. Tầm quan trọng của sách là việc có thể giúp cho người đọc phát huy sự sáng tạo, áp dụng những kiến thức trong sách vào ứng dụng thực tế của bản thân để xử lý trong các tình huống khác nhau.
          Dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và có nhiều tiện lợi, song vẫn không thế thay thế được sách, việc đọc sách rất cần thiết và quan trọng, nhất là đối với các em, lứa tuổi học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Sách gắn bó với các em hàng ngày. Sách đồng hành với các em trong cả giờ học và ngoài cuộc sống. Cho nên đối với giởi trẻ hiện trẻ hiện nay, một trong những con đường để thành công thì đọc sách là cách tốt nhất.
Trung tâm thư viện trường Đai học Sao Đỏ (Ảnh Bích Thủy)        
Vì thế, nhân ngày sách Việt Nam 21/4  mỗi con người Việt Nam nói chúng và tuổi trẻ cả nước hôm nay cần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, tiếp tục tuyên truyền, phát động phong trào đọc sách trong toàn dân để phong trào này lan tỏa tới mọi người, tất cả cùng cố gắng học tập, nâng cao tri thức, phát huy truyền thống dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Mạnh Tưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập61
  • Hôm nay260
  • Tháng hiện tại134,076
  • Tổng lượt truy cập5,937,760
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây