Đội ngũ giảng viên có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, “cái gốc” của công tác giảng dạy, quyết định trực tiếp đến kết quả Giáo dục & Đào tạo. Do đó, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, đảm bảo cho đội ngũ giảng viên luôn vững vàng về tư tưởng chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, có trình độ tri thức toàn diện, chuyên sâu, yêu nghề, tâm huyết với công việc, có phong cách, tác phong sư phạm mẫu mực, có khả năng quản lý tốt, có kỹ năng nghiên cứu khoa học và cung ứng các dịch vụ là vấn đề được Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và khoa GDCT&TC đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, lao động sư phạm là lao động sáng tạo, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức sâu và toàn diện, luôn bổ sung cái mới nhằm hoàn thiện nghệ thuật sư phạm. Tính đa dạng, phức tạp của hoạt động giảng dạy – giáo dục đòi hỏi người lãnh đạo phải thường xuyên chú ý đến việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận và nghiệp vụ cho giảng viên. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua, lãnh đạo Khoa Giáo dục chính trị và Thể chất đã thể hiện vai trò, tầm quan trọng của mình trong công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Hàng năm, Khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên ngay từ đầu năm học với những nội dung và hình thức như:
Tổ chức tham quan, trải nghiệm thực tế nhằm mục đích giúp cho giảng viên có cơ hội tìm hiểu, tích lũy kiến thức gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy, năm học 2017 -2018 khoa đã tổ chức đi thực tế tại bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng dân tộc Việt Nam và bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Qua buổi thực tế, các thầy cô được bổ sung kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chứng tích gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ thứ XIX đến nay vào quá trình giảng dạy.
Thầy cô khoa GDCT&TC và sinh viên ĐH khóa 07 đi thực tế trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Năm học 2017 – 2018 khoa cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn do Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hải Phòng. Thông qua đợt tập huấn, các giảng viên được cập nhật kiến thức mới, đồng thời luôn thể hiện trách nhiệm cao của mình trong công việc, đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của đơn vị.
Hoạt động dự giờ là một trong những hoạt động thường xuyên trong công tác bồi dưỡng giảng viên nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực giảng viên và là cơ sở để cuối năm phân loại giảng viên theo 3 tiêu chuẩn. Hàng tháng các bộ môn chủ động lập kế hoạch dự giờ đối với từng giảng viên để giảng viên chủ động chuẩn bị bài giảng của mình. Thông qua hoạt động này giảng viên có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm, củng cố kiến thức, nội dung bài giảng để chủ động, tích cực đổi mới nội dung, kết hợp và sử dụng linh hoạt các phương pháp, phương tiện dạy học; vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy để từng bước trưởng thành trong công tác chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Trên cơ sở kết quả dự giờ, khoa lựa chọn người có thành tích cao để tiếp tục bồi dưỡng tham gia hội giảng giảng viên dạy giỏi cấp trường. Kết quả, trong năm học 2017 - 2018, khoa có 11/14 giảng viên xếp loại giỏi, trong đó có 5 giảng viên đạt giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở. Góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Đại diện Khoa và Nhà trường tặng hoa chúc mừng cô Phạm Thị Hồng Hoa trong lễ bảo vệ luận án tiến sỹ tháng 11/2017
Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giảng viên được hình thành bằng nhiều phương thức khác nhau như: Đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nhằm khắc phục mặt hạn chế, phát huy mặt tích cực nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ của mỗi giảng viên, giúp họ có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng giảng viên cũng luôn được lãnh đạo khoa quan tâm, khuyến khích, động viên giảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ thông qua các lớp học ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu sinh, xác định đây là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của khoa và nhà trường. Đến nay 100% giảng viên tham gia lớp học bồi dưỡng tiếng Anh; có 02 giảng viên ở trình độ tiến sĩ, 05 giảng viên đang tham gia chương trình NCS tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Góp phần bổ sung thêm vào đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao của nhà trường và cũng là nguồn cổ vũ lớn đối với cán bộ, giảng viên đã và đang trên con đường học tập nâng cao trình độ.
Như vậy, có thể khẳng định, công tác bồi dưỡng giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng nói chung và trường Đại học Sao Đỏ cũng như khoa Giáo dục chính trị và thể chất nói riêng luôn được coi nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất quyết định tới chất lượng giảng dạy. Được sự chỉ đạo của Ban Giám Hiệu, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Khoa, công tác bồi dưỡng giảng viên khoa giáo dục chính trị và Thể chất đã đạt được những thành tích đáng tự hào. Qua đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của khoa nói riêng và đội ngũ giảng viên của Nhà trường nói chung.