***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Vai trò của giảng viên trong giảng dạy lý luận chính trị trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ sáu - 17/09/2021 08:21
Nhà giáo dục lỗi lạc người Mỹ - William A.Warrd đã từng nói: Người thầy trung bình chỉ biết nói; người thầy giỏi biết giải thích; người thầy xuất chúng biết minh họa; người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Điều đó đã khẳng định rõ vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc truyền thụ tri thức và giáo dục thế hệ trẻ.
          Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên nền tảng các đột phá của công nghệ số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa và thế giới sinh học, đó là các công nghệ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công xưởng thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học…Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Nền giáo dục trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là nền giáo dục thông minh với sự hỗ trợ rất nhiều của công nghệ, cung cấp cho người học chương trình học tập “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng đào tạo khác nhau (khả năng thích nghi cao), cá nhân hóa nội dung đào tạo. Đứng trước xu thế thay đổi đó, để sinh viên không bỡ ngỡ và tiệp cận nhanh, hiệu quả những tri thức mới thì giảng viên là người có vai trò vô cùng quan trọng.
          Các môn lý luận chính trị vốn là những môn học bắt buộc trong các trường đại học ở nước ta với mục tiêu góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng; rèn luyện lập trường, tư tưởng chính trị cho sinh viên. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề chính trị, xã hội mới, đòi hỏi phải làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn.
         Để làm được điều đó, đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị cần chú ý một số yêu cầu sau:
         Thứ nhất, phải giữ vững phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức cách mạng
          Phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng là yếu tố luôn cần phải có đối với một giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị. Phẩm chất và bản lĩnh chính trị là cái gốc cơ bản để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Cùng với phẩm chất chính trị, người giảng viên còn phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với những nhiệm vụ mà nghề nghiệp đặt ra. Trong thời đại ngày nay – thời đại chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì yếu tố này càng trở nên quan trọng và cần thiết. Sự thay đổi của yếu tố thời đại đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tư tưởng và các tình huống chính trị, xã hội phức tạp, đòi hỏi người giảng viên phải có bản lĩnh chính trị, giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa Mác – Lênin và đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin để nhìn nhận vấn đề. Phẩm chất chính trị của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, trước hết được thể hiện ở chỗ luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; nhạy cảm và có khả năng phân tích khoa học đối với những hiện tượng, tình huống chính trị - xã hội mới nảy sinh để định hướng hành động đúng đắn, phù hợp, giải quyết tình huống phức tạp, tế nhị của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận hiện nay một cách có hiệu quả.
          Thứ hai, phải luôn gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình giảng dạy
          Gốc của lý luận chính là đời sống. Lý luận không áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống thì lý luận dù có hay mấy cũng chỉ là lý luận suông. Học thuyết Mác - Lênin vĩnh cửu là nhờ nó bắt rễ, hút nhụy từ hiện thực đời sống khách quan của nhân loại. Do đó, trong mỗi môn học, trong từng bài giảng, giảng viên phải thể hiện được tính thực tiễn xã hội sinh động.  Thực tiễn là cái hồn, là hơi thở của cuộc sống cần được đưa vào các bài giảng để kiểm chứng tính đúng đắn, khoa học của lý luận. Do đó, để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương. Sự liên hệ này có thể giảng viên đưa vào từng nội dung trong bài giảng, hoặc gợi mở, đàm thoại với sinh viên, dẫn ra những thực tiễn của địa phương, đất nước, từ đó khái quát làm sáng tỏ lý luận. Song, đó phải là những thực tiễn mang tính điển hình, khái quát chứ không phải là những thực tiễn riêng lẻ, nhỏ nhặt ngoài đời sống xã hội. Muốn vậy, giảng viên phải không ngừng cập nhật các thông tin từ thực tiễn, thật am hiểu thực tiễn xã hội để lý giải các vấn đề chính trị, xã hội liên quan và khẳng định nguyên lý, quy luật vận động của các sự vật, hiện tượng trong thế giới.
          Thứ ba, không ngững trau dồi tri thức chuyên ngành và liên ngành, cập nhật thường xuyên những tri thức mới.
          Mục đích của việc giảng dạy các môn lý luận chính trị là trang bị cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận biện chứng duy vật để áp dụng, giải quyết cho tốt những vấn đề diễn ra trong thực tiễn; giúp sinh viên biết nhìn nhận, xem xét thế giới, xã hội, con người, các sự vật hiện tượng trong mối liên hệ phổ biến, vận động và phát triển, độc lập tư duy. Do vậy, để giảng dạy, giảng viên cần có đủ kiến thức về môn học, hiểu biết sâu môn học, đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, nó quyết định chất lượng nội dung giảng dạy. Kiến thức này đòi hỏi hai mặt: Một mặt, phải có kiến thức nhất định về khoa học cơ bản, về khoa học bổ trợ. Mặt khác, phải đạt trình độ nhuần nhuyễn về khoa học chuyên môn, đặc biệt là môn khoa học do người giảng viên đó đảm nhiệm.
          C.Mác đã từng nói “Chính những con người đã làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”. Trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, một số quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin có thể đã bị lịch sử vượt qua, có những quan niệm cần bổ sung, phát triển; do vậy để trang bị cho sinh viên cái nhìn đúng đắn về lý luận chính trị trong thời cuộc mới, đòi hỏi giảng viên làm công tác giảng dạy phải hiểu thấu đáo về lý luận, thực tiễn trong nước và thế giới, cần có quan điểm, chính kiến rõ ràng để phân tích, chứng minh vấn đề. Bên cạnh đó, giảng viên cần phải có kiến thức liên ngành, khả năng ngoại ngữ và đặc biệt là phải nắm bắt kịp sự phát triển của khoa học công nghệ nhằm phục vụ tốt cho quá trình giảng dạy của mình, từ đó kích thích sinh viên nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu. Để làm được điều đó thì bản thân mỗi giảng viên lý luận chính trị phải thường xuyên tự bồi dưỡng, cập nhật những kiến thức cần thiết cho mình, tích cực trong nghiên cứu khoa học. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu giảng viên không chịu cập nhật, trau dồi tri thức chuyên môn và các kiến thức liên ngành thì những nội dung tri thức giảng viên truyền thụ cho sinh viên sẽ trở nên lạc hậu, thậm chí không còn phù hợp nữa, trong khi đó sinh viên lại có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu thông tin qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, do các em chưa có kiến thức nhiều về môn học, lại thêm kỹ năng nghe, hiểu, phân tích vấn đề còn có hạn khiến sinh viên bị ảnh hưởng niềm tin, hoang mang, giao động và có cái nhìn lệch lạc về xã hội.
          Thứ tư, cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy để nâng cao tính chủ động, tích cực, sáng tạo của sinh viên trong việc tiếp cận tri thức mới.
          Mục đích của việc đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm phát huy tính tích cực, năng động, sáng tạo của sinh viên; tránh thái độ thụ động, rập khuôn theo bài giảng của giảng viên, từ đó sinh viên có được phong cách tư duy độc lập trong học tập cũng như trong nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị sẽ góp phần làm cho sinh viên thêm quan tâm, hứng thú học tập và nghiên cứu, từ đó thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của việc dạy và học các môn khoa học này. Thêm nữa, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sinh viên hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để tiếp thu tri thức môn học cả về lý luận và thực tiễn qua nhiều kênh khác nhau, do vậy người giảng viên cần đổi mới phương pháp, thường xuyên khơi dậy, rèn luyện và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự đặt vấn đề và tự giải quyết vấn đề của sinh viên ngay trong quá trình học tập ở trường. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị xêmina,… Đây là quá trình rèn luyện cho sinh viên năng lực tư duy chính xác và tư duy biện chứng. Thông qua đó, sinh viên còn rèn luyện được các kỹ năng cần thiết như kỹ năng diễn đạt, thuyết trình, thảo luận; kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề; kỹ năng nói trước đám đông; kỹ năng tổ chức các hoạt động chuyên môn. Để kích thích tính chủ động của sinh viên thì người giảng viên cũng phải luôn luôn động não, phát huy tính sáng tạo của mình trong quá trình triển khai bài giảng, đồng thời sinh viên phải tập trung vào bài giảng, phải suy nghĩ, đóng góp ý kiến vào bài học.
          Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay có tác động mạnh mẽ đến hoạt động giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Để thích nghi với hoàn cảnh, người giảng viên làm công tác giảng dạy lý luận chính trị hiện nay cần phải hiểu rõ vai trò của mình và nâng cao hơn nữa tình yêu nghề, trách nhiệm nghề nghiệp nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao – vừa hồng, vừa chuyên cho xã hội.

Tác giả bài viết: TS. Phùng Thị Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay3,303
  • Tháng hiện tại250,802
  • Tổng lượt truy cập6,231,086
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây