***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Sự cần thiết trong việc phổ biến Luật An ninh mạng

Thứ tư - 22/09/2021 17:41
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn.
          Trong thời gian gần đây, những vụ tấn công của tin tặc phá hoại an ninh mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trở nên tinh vi, phức tạp và có quy mô, tổ chức ngày càng gia tăng, các thế lực thù địch, cũng như các tin tặc không ngừng lợi dụng hoạt động công nghệ thông tin để phát tán tài liệu phản động, tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam phát tán virus phá hoại thông tin và cơ sở dữ liệu… gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội. Trong khi đó, công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng hiện nay đang có nhiều bất cập cả về hạ tầng, nguồn nhân lực và nhận thức. Từ thực tế nêu trên Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIV (kỳ họp thứ 5) thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu thực kể từ ngày 1/1/2019. Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 Điều
Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 01/01/2019
          Việc xây dựng và ban hành Luật An ninh mạng xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của tình hình an ninh mạng trong nước, yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bí mật nhà nước, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
         Một là, đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội như: Phòng ngừa, đấu tranh hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia, kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự... Phòng ngừa, ngăn chặn, ứng phó, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, chống chiến tranh mạng; Bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và áp dụng các biện pháp cần thiết, tương xứng.
          Hai là, khắc phục những tồn tại hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an toan ninh mạng như:Tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng dẫn tới một số vấn đề còn chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các bộ, ngành chức năng.
          Ba là, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng.
          Bốn là, bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc.
Năm là, bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế, khi đã có rất nhiều quốc gia trên thế giới ban hành Luật An ninh mạng. Ý nghĩa của việc ban hành Luật An ninh mạng thể hiện cụ thể:
          - Thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2021; Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet.
          - Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, trước việc không gian mạng đã xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hiện diện trong hầu hết các hoạt động của con người.
          Luật An ninh mạng được ban hành nhằm ngăn chặn toàn bộ các nguy cơ và hành vi có thể gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Cụ thể:
          - Bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
          - Bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Với tiến bộ của khoa học công nghệ, thông tin cá nhân sẽ được phân tích, tổng hợp, hình thành bản sao mô phỏng con người thật trên không gian ảo, bao gồm cả thói quen và cách ứng xử, dần hình thành một loại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khác so với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Nhà nước quản lý. Khi đó, vấn đề cá nhân sẽ trở thành vấn đề quốc gia.
          - Bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về sự quản lý, tương thích các quy định pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.
          Không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng còn là căn cứ pháp lý chủ yếu và quan trọng để bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, là công cụ để lực lượng chức năng triển khai các biện pháp được giao.
          Vấn đề kiểm soát thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội là trách nhiệm chung của toàn xã hội, do Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chính. Dưới góc độ an ninh, Luật An ninh mạng có đề cập tới các biện pháp xử lý thông tin có nội dung chống Đảng, Nhà nước, làm nhục, vu khống trên không gian mạng. Đây là nội dung liên quan trực tiếp tới an ninh quốc gia đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự quy định về hình phạt và tội phạm, còn Luật An ninh mạng chỉ quy định các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với các hoạt động trên không gian mạng. Hiện nay, các thông tin xấu, độc, phản cảm chủ yếu tồn tại trên các trang mạng xã hội nước ngoài nhưng các trang mạng này hầu như không bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn tới tình trạng khó theo dõi, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm. Thực trạng này xuất phát từ 3 bất cập chính:
          - Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước viễn thông, internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế. Trong đó phải kể đến pháp luật về an ninh mạng, quản lý thuê, báo chí và an toàn thông tin mạng.
          - Hai là, hạn chế về giải pháp công nghệ, đầu tư phương án kỹ thuật để ngăn chặn hiệu quả các thông tin xấu độc.
         - Ba là, sự bất hợp tác hoặc thiếu thiện chí của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet nước ngoài khi cung cấp thông tin qua biên giới vào Việt Nam.
          Vì vậy mỗi công dân Việt Nam cần tìm hiểu và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an ninh mạng, ngoài ra, người dùng máy tính cần áp dụng 7 giải pháp đơn giản và hoàn toàn dễ thực hiện đối với bất cứ ai để có thể bảo vệ chính mình hàng ngày, như sau: Cập nhật thường xuyên các phần mềm sử dụng, thông qua chế độ cập nhật tự động hoặc chủ động cập nhật khi có thông báo từ nhà phát triển. Việc cập nhật này sẽ giúp vá các lỗi và lỗ hổng mới phát hiện một cách kịp thời, đồng thời giúp cho phần mềm chạy ổn định, đáng tin cậy hơn…;Sử dụng các chương trình diệt phần mềm độc hại hoặc tường lửa cá nhân, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của các chương trình này, quan tâm đến việc bảo vệ thông tin riêng tư trên môi trường Internet, đặc biệt là các dịch vụ như mạng xã hội, chia sẻ thông tin hay các dịch vụ tương tự; nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc sử dụng email, tin nhắn qua mạng để phòng chống hiện tượng giả mạo, lừa đảo với mục đích lây lan mã độc, đánh cắp thông tin cá nhân.

Tác giả bài viết: ThS. Phạm Thị Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay1,187
  • Tháng hiện tại111,271
  • Tổng lượt truy cập8,479,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây