***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Đảng Cộng sản Việt Nam - 92 năm truyền thống vinh quang (3/2/1930 – 3/2/2022)

Thứ năm - 03/02/2022 12:56
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng. 92 năm lãnh đạo cách mạng của dân tộc, Đảng ta đã khẳng định được vai trò sứ mệnh lịch sử đối với cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện mới cùng với quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước, chúng ta cugx cần nhận diện, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng.
          Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn tư bản độc quyền. Các nước tư bản vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các dân tộc thuộc địa. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, gắn liền với các cuộc cách mạng chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) vào tháng 3/1919 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đối với Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Tại Việt Nam, năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược và từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng đều không mang lại kết quả. Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào cộng sản ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 7/2/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, ngày 24/2/1930 là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng.
          Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và hệ tư tưởng Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử cực kỳ trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
ĐH13
Đại hội Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nguồn Chính phủ điện tử)
         92 năm lãnh đạo cách mạng của dân tộc, Đảng ta đã khẳng định được vai trò sứ mệnh lịch sử đối với cách mạng Việt Nam. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, bước ngoặt lịch sử thì bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của Đảng càng tỏa sáng; đường lối, chủ trương của Đảng càng thể hiện sự đúng đắn, khoa học, bám sát thực tiễn đất nước và đòi hỏi bức thiết của nhân dân. Từ đó Đảng ta đã đưa dân tộc đi từ thắng lợi này tới thăng lợi khác, mở đầu cho chặng đường hào hùng ấy là cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, đến thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954, kháng chiến chống đế quốc Mỹ 1954 - 1975 và những thành tựu vĩ đại trong công cuộc xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước từ 1976 đến nay.
          Mỗi khi tình hình cách mạng có sự biến động, phát triển, Đảng đều chủ động điều chỉnh, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, phương thức lãnh đạo, đề ra chủ trương, giải pháp, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên, huy động sức mạnh toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo hoàn thành mục tiêu cách mạng đề ra. Điều đó đã thể hiện bản lĩnh của một Đảng được tôi luyện trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đủ khả năng giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
          Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị đang gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta như: chống phá nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bóp méo sự thật về đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ xúy “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang... Bản chất và mưu đồ của họ là từng bước làm cho các lực lượng vũ trang biến chất về chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới mất sức chiến đấu. Cùng với những luận điệu chống phá trên các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, nhất là sau một số vụ án tham nhũng kinh tế, chúng thông qua các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo sự thật về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đăng tải các thông tin sai trái, bôi nhọ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ…
          Trước sự chống phá của kẻ thù, chúng ta cần đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Đây phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên, chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên. Các chủ trương, giải pháp cơ bản cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có hệ thống từ các cấp ủy, đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên. Qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
          Thực hiện tốt những nội dung, định hướng cơ bản trên sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả, giảm tác hại từ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sớn đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển hiện đại.
          Tiếp nối truyền thống vẻ vang, tự hào của Đảng, đội ngũ đảng viên, cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ luôn giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Sống có lý tưởng và đạo đức cách mạng, có lối sống văn hoá, có ý chí tự tôn, tự cường dân tộc, giỏi về chuyên môn, nghề nghiệp, có sức khoẻ tốt, có năng lực tiếp cận và sáng tạo công nghệ mới, có ý chí chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Bình tĩnh, tỉnh táo với mọi luận điệu chống phá của kẻ thù, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Tác giả bài viết: TS. Vũ Văn Đông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay641
  • Tháng hiện tại50,486
  • Tổng lượt truy cập8,574,829
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây