***ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG*** ****ĐẠI HỌC SAO ĐỎ - CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG***

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới và công tác phát triển nguồn nhân lực trường Đại học Sao Đỏ

Thứ ba - 08/03/2022 08:07
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của con người, coi con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Người luôn khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra các chuẩn mực của con người mới cũng như các biện pháp để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, trong đó biện pháp quan trọng nhất là giáo dục và đào tạo. Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước để đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, thì vai trò chủ quan, trong đó nhân tố con người đóng vai trò quyết định. Nhận thức đúng đắn vai trò của con người trong bối cảnh mới, Đảng bộ Trường Đại học Sao Đỏ đã vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa ra những chỉ đạo nhằm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hiện nay.
          Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người mới xã hội chủ nghĩa, theo Người cần có những phẩm chất sau: Một là, con người mới có tư tưởng xã hội chủ nghĩa: có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết chí vươn lên, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Hai là, có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người,cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, lối sống lành mạnh. Ba là, có tác phong xã hội chủ nghĩa: làm việc có kế hoạch, biện pháp, có quyết tâm, tổ chức, kỷ luật, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, lao động hăng say, không sợ khó, sợ khổ, làm việc vì lợi ích của xã hội, tập thể và của bản thân. Bốn là, có năng lực làm chủ: làm chủ bản thân, gia đình và công việc mình đảm nhiệm, đủ sức khỏe và tư cách tham gia làm chủ nhà nước và xã hội, thực hiện tốt quyền công dân; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học công nghệ, chuyên môn nghiệp vụ để làm chủ.
          Như vậy, con người mới xã hội chủ nghĩa theo Hồ Chí Minh có hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Một là, kế thừa những giá trị tốt đẹp của con người truyền thống (Việt Nam và phương Đông). Hai là, hình thành những phẩm chất mới như: có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, có đạo đức, có trí tuệ, bản lĩnh để làm chủ (bản thân, gia đình, xã hội, thiên nhiên…), có tác phong xã hội chủ nghĩa, có lòng nhân ái, vị tha, độ lượng…mỗi bước xây dựng được con người như vậy là một nấc thang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
          Hồ Chí Minh không chỉ đưa ra những phẩm chất tốt đẹp của con người mới, Người còn chỉ ra các biện pháp để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Có rất nhiều các biện pháp để xây dựng con người mới, nhưng theo Người, biện pháp quan trọng nhất là giáo dục - đào tạo. Theo Người, nội dung giáo dục phải toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu. Hai mặt đức, tài thống nhất với nhau, trong đó “đức” là gốc, là nền tảng cho tài năng phát triển. Đồng thời, nội dung giáo dục phải chứa đựng tính dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, giá trị nhân văn, truyền thống văn hóa của dân tộc, lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi của người công dân, ngoài ra phải lĩnh hội những giá trị khoa học của thế giới.
          Phương pháp giáo dục phải phù hợp với điều kiện và đối tượng giáo dục. Phải căn cứ vào “trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm đấu tranh, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng”. Phải kết hợp giữa nhận thức và hành động, lời nói với việc làm, có như thế mới có thể “học để làm người”. Do đó, đối với từng cấp học Người có những yêu cầu riêng: cấp mầm non cốt yếu nhất là giáo dục cho trẻ biết vâng lời, biết thương yêu cha, mẹ, anh em. Cấp tiểu học và trung học lấy đạo đức đặt lên hàng đầu. Cấp Đại học phải chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp, phải đào tạo được những công nhân lành nghề, tay nghề giỏi, chú trọng lấy tự học làm cốt. Đặc biệt, Người cũng luôn căn dặn, “trồng người” là công việc “trăm năm”, không thể nóng vội “một sớm một chiều”, không phải làm một lúc là xong, cũng không phải tùy tiện, đến đâu hay đến đó. Nhận thức và giải quyết vấn đề này có ý nghĩa thường trực, bền bỉ trong suốt cuộc đời mỗi con người, trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng: “Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng”, “việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học”.
          Bên cạnh việc coi trọng giáo dục - đào tạo, chỉ ra các biện pháp để xây dựng con người mới với thái độ yêu thương, độ lượng, nghiêm túc và thận trọng, Hồ Chí Minh đã sớm thấy các biểu hiện cần phải quyết tâm đấu tranh như: chủ nghĩa cá nhân, quan liêu mệnh lệnh, tham ô, lãng phí, bảo thủ, rụt rè…Người gọi đó là những căn bệnh, hơn thế nữa là một loại giặc, giặc nội xâm, giặc ở trong lòng, người có bệnh thì phải uống thuốc để chữa bệnh, có khi phải dùng “thuốc đắng” để “giã tật”. Đã là giặc thì phải có những chủ trương, biện pháp để chống lại, loại trừ, phải chấp nhận những hy sinh, mất mát.
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về con người toàn diện. Xây dựng con người luôn được Người coi trọng như mục tiêu thiêng liêng, cao cả của sự nghiệp cách mạng, thấm đượm và thường trực trong toàn bộ cuộc đời hoạt động của Người, tỏa sáng trong từng việc làm, cử chỉ, hành vi, ân cầm, tôn trọng, quan tâm đến từng người và mọi người. Tư tưởng xây dựng con người mới của Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của nhân loại và được sáng tạo một cách khoa học và đầy tâm huyết.
          Nhận thức đúng đắn vai trò của con người trong bối cảnh mới, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới, trong những năm qua Đảng bộ, Ban Giám hiệu và tập thể sư phạm Nhà trường đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, đầu tư cơ sở vật chất, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy… để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước: 100% phòng học lý thuyết được trang bị điều hòa không khí, máy chiếu/màn hình LED cỡ lớn, camera giám sát tạo điều kiện cho sinh viên học tập, 08 Trung tâm thực hành thực nghiệm cùng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phù hợp với từng lĩnh vực đào tạo của Nhà trường đáp ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thời kỳ kỷ nguyên số, 10 phòng thi trắc nghiệm sử dụng phần mềm PMT-EMS có bản quyền, 12 phòng học ngoại ngữ sử dụng bản quyền trong giảng dạy tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, thư viện của Nhà trường có hơn 4.000 đầu sách tham khảo bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài với không gian truyền thông sáng tạo, phòng đọc liệu…để sinh viên nghiên cứu, giao lưu học tập. Hiện nay, Trường có 239 cán bộ, giảng viên, 100% giảng viên có trình độ thạc sỹ trong đó 18% giảng viên có trình độ Tiến sĩ. Nhiều giảng viên là những chuyên gia có uy tín trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, đã tham gia các Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Tỉnh, Bộ, Ngành, Nhà nước, hàng năm nhiều giảng viên được công nhận giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở…Với sứ mạng-2025: Đào tạo gắn với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tế, Nhà trường gắn với doanh nghiệp. Trong những năm qua, Trường đã kết hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho sinh viên. Đồng thời, thực hiện phương châm dạy học “lấy kiến thức cơ bản làm nền tảng, kiến thức mở rộng là cần thiết, kiến thức ứng dụng là quan trọng” trong giảng dạy để giúp sinh viên có kiến thức sâu rộng, thực tế về ngành học và các kỹ năng thực hành, thực nghiệm tốt. Ngoài ra, sinh viên còn được học kỹ năng mềm cần thiết như: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức công việc và tổ chức sự kiện; kỹ năng thích ứng…để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
anh 1 1646407168
Sinh viên trường Đại học Sao Đỏ tích cực học tập tại thư viện 
          Như vậy, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng con người mới cùng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể sư phạm Nhà trường. Trường Đại học Sao Đỏ đã và đang đào tạo người học phát triển toàn diện cả đức, trí, thể, mỹ. Sinh viên học tập trong môi trường hiện đại, tiếp cận với nhiều công nghệ mới, có kiến thức, kỹ năng thực hành, thực nghiệm, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt…là địa chỉ tin cậy, uy tín, được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo.

Tác giả bài viết: ThS. Đặng Thị Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập65
  • Hôm nay4,901
  • Tháng hiện tại104,829
  • Tổng lượt truy cập8,629,172
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây